Thách thức ứng dụng AI, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực y tế. Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Chuẩn bị các cánh tay robot cho ca phẫu thuật bằng robot ở Bệnh viện Bình Dân, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị các cánh tay robot cho ca phẫu thuật bằng robot ở Bệnh viện Bình Dân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy (ML) đã và đang mở ra những cánh cửa mới cho sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán và điều trị cá nhân hóa, đem lại hy vọng mới cho cuộc chiến chống lại ung thư.

Trong lĩnh vực chẩn đoán ung thư, AI đã mang lại những lợi ích vượt trội. Cụ thể, AI nâng cao độ chính xác do có khả năng phân tích hàng triệu dữ liệu chỉ trong thời gian ngắn, giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh mà con người có thể bỏ qua. AI có tốc độ phân tích nhanh, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đánh giá các mẫu bệnh phẩm, thúc đẩy quá trình chẩn đoán nhanh chóng, cho phép bắt đầu điều trị sớm hơn.

Nhờ AI, các bác sĩ có thể xác định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho từng bệnh nhân dựa trên đặc điểm di truyền và phân tử của khối u, đem lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại ung thư.

Trong đề tài nghiên cứu "Tổng quan về ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư: Cơ hội và thách thức" của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Ðặng Anh Thư, cùng cộng sự ở Bộ môn Mô phôi-Giải phẫu bệnh, Trường đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh ung thư đã trở thành một trong những bước tiến đột phá trong lĩnh vực y tế, thể hiện rõ sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trong thời đại mới.

AI không chỉ cải tiến đáng kể chất lượng và tốc độ trong chẩn đoán qua các phương pháp như X-quang, chụp cộng hưởng từ và X-quang thần kinh, mà còn mở rộng ứng dụng trong việc phân tích, phân loại hình ảnh, quản lý dữ liệu và nhiều lĩnh vực khác.

Với khả năng phát hiện các tế bào phát triển bất thường và các thay đổi sinh học, AI đang dần trở thành công cụ không thể thiếu trong công tác chẩn đoán, giúp các bác sĩ đạt được độ chính xác cao hơn trong việc xác định và điều trị các bệnh lý. Nhờ vào sự phát triển của AI, kỷ nguyên mới trong chẩn đoán hình ảnh y tế đang dần được hình thành, hứa hẹn những cải tiến vượt trội giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho toàn nhân loại.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhận được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng y tế và công nghệ. Việt Nam đã bắt đầu nhận thấy tiềm năng to lớn của AI trong việc cải thiện độ chính xác và hiệu quả của quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư.

Một số bệnh viện tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai các hệ thống AI để hỗ trợ chẩn đoán ung thư như hệ thống phân tích hình ảnh y tế tự động để phát hiện và đánh giá các khối u. Các công cụ này giúp bác sĩ có thêm dữ liệu chính xác để đưa ra quyết định điều trị.

Các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam như Ðại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và phát triển các ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh y tế, nhất là trong lĩnh vực ung thư… Với những bước tiến này, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang "bùng nổ" như hiện nay, ứng dụng chuyển đổi số, AI trong lĩnh vực y tế đang được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và nâng cao sức khỏe của cộng đồng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù các bệnh viện đã chú trọng triển khai các giải pháp khoa học-công nghệ vào khám, chữa bệnh nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, đối mặt với nhiều thách thức. Ðó là, hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện, thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin trong y tế, hạn chế về cơ sở hạ tầng y tế, các thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh còn thiếu.

Việc áp dụng AI trong chẩn đoán ung thư tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều thách thức. Các rào cản bao gồm chi phí đầu tư cao, thiếu hụt nguồn lực có chuyên môn cao về AI và những lo ngại về bảo mật dữ liệu y tế là một trở ngại. Ngoài ra, việc chấp nhận công nghệ mới trong cộng đồng y tế còn chậm do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng và đào tạo cần thiết cho các bác sĩ.

Theo ông Nguyễn Tấn Thành (Câu lạc bộ Các nhà khoa học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh), trong bối cảnh cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế không chỉ là xu hướng mà rất cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường tiện ích và tiếp cận dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế. Ðể thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế số, nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế. Mặt khác, tăng cường nhận thức của người dân về chuyển đổi số y tế, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phòng và điều trị bệnh, cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế số. Việc thực hiện những giải pháp này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn góp phần vào việc phát triển bền vững của ngành y tế trong thời kỳ cách mạng công nghệ số.