Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam vì sự phát triển bền vững an sinh xã hội quốc gia” giai đoạn 2023-2030 để triển khai trong toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phong trào thi đua với chủ đề: “Chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam vì sự phát triển bền vững an sinh xã hội quốc gia” giai đoạn 2023-2030 gồm 10 nội dung, giải pháp sau đây.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ về chuyển đổi số, Đề án 06 và Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ, Quyết định số 1177/QĐ-BHXH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu phát triển về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về quy trình nghiệp vụ và triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phối hợp, tham gia với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ tư, tăng cường truyền thông kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức, người lao động về thực hiện Đề án 06 và công tác chuyển đổi số của ngành và đến toàn xã hội để người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Thứ năm, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành về kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, phần mềm nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu công việc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thứ sáu, tập trung rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo quy định những công chức, viên chức và người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ tám, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Thứ chín, nghiên cứu sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý, phân tích, cung cấp thông tin, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo. Mở rộng triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ mười, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin một cửa điện tử, đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Đối tượng thi đua là các tập thể và công chức, viên chức, người lao động trong ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 2023-2025) và giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030).