Theo dấu chân Phật Hoàng-Lục Nam trong không gian văn hóa Tây Yên Tử

NDO - Chiều 11/4, tại thành phố Bắc Giang, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Bảo tàng Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, tổ chức tọa đàm khoa học "Theo dấu chân Phật Hoàng-Lục Nam trong không gian văn hóa Tây Yên Tử".
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm Theo dấu chân Phật Hoàng-Lục Nam trong không gian văn hóa Tây Yên Tử.
Tọa đàm Theo dấu chân Phật Hoàng-Lục Nam trong không gian văn hóa Tây Yên Tử.

Báo cáo đề dẫn do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Triết học khẳng định: Buổi tọa đàm nhằm bổ sung thông tin, tư liệu, làm rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của huyện Lục Nam trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, cũng như trong mối quan hệ với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Tọa đàm nhằm tìm kiếm những định hướng nghiên cứu, các phương án triển khai, các góc nhìn đa chiều về địa lý, lịch sử, văn hóa của vùng đất Lục Nam; Xây dựng các cơ sở dữ liệu về Lục Nam gồm các tư liệu Hán Nôm, tư liệu bản đồ cổ, tư liệu khảo cổ học, các tư liệu điều tra điền dã về phong tục tập quán, thực hành tín ngưỡng.

Trên cơ sở những kết quả đó có thể chắt lọc các giá trị cốt lõi của văn hóa Lục Nam, cũng như những điểm cốt tủy trong tư tưởng và văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử để áp dụng cho công cuộc phát triển kinh tế-văn hóa huyện Lục Nam trong tương lai.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trần Anh Dũng, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Di tích Phật giáo ở Bắc Giang thuộc Tây Yên Tử có 187 di tích, trong đó huyện Lục Nam có 74 di tích.

Để bảo tồn và phát huy giá trị cần hệ thống hóa tư liệu hệ thống chùa Trúc Lâm Tây Yên Tử ở tỉnh Bắc Giang nhằm mục đích đánh giá giá trị lịch sử và văn hóa của hệ thống này, đồng thời nghiên cứu sự giống và khác nhau của hệ thống Trúc Lâm Tây Yên Tử với hệ thống Trúc Lâm ở Tây Thiên (Vĩnh Phúc), hệ thống Trúc Lâm ở tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Yên Bái. Từ đó, phát huy giá trị của hệ thống Tây Yên Tử ở tỉnh Bắc Giang với việc phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế, du lịch, lễ hội ở huyện Lục Nam nói riêng và Bắc Giang nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư, Khoa Di sản văn hóa, Trường đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Dãy núi Yên Tử là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa tâm linh quan trọng nhất của Đại Việt. Thời Trần, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi trụ trì của cả ba vị Trúc Lâm Tam Tổ, là trụ sở Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm, đồng thời là trường đào tạo tăng ni đầu tiên ở Việt Nam. Từ trung tâm này, Phật giáo Trúc Lâm được hoằng dương ở phía tây dãy núi Yên Tử.

Do đó, cần đẩy mạnh thực hiện quy hoạch khảo cổ vùng Tây Yên Tử nói chung, lập bản đồ phân bố di tích khảo cổ học thời Lý-Trần ở Bắc Giang nói riêng để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; Xây dựng chương trình nghiên cứu tổng thể các di tích chùa tháp thuộc không gian văn hóa Tây Yên Tử ở Bắc Giang để làm rõ vị trí, vai trò của vùng đất này trong lịch sử phát triển Phật giáo Trúc Lâm.