Tháng 11 (âm lịch) là thời điểm đặc biệt liên quan cuộc đời Vua Trần Nhân Tông. Ngài sinh ngày 11-11-1258 và viên tịch ngày 1-11-1308. Năm 2018 là dịp kỷ niệm 760 năm Ngày sinh, 710 năm Ngày ngài nhập niết bàn. Những ngày này, tại nhà Con Rồng trên nền điện Kính Thiên xưa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức một trưng bày đặc biệt với chủ đề "Từ Hoàng cung Thăng Long đến thánh địa Trúc Lâm - Hành trình từ đấng minh quân đến Ðức Phật hoàng"; đồng thời tổ chức tọa đàm khoa học cũng với chủ đề này.
Hơn 100 hiện vật, hình ảnh được trưng bày theo ba chuyên đề, gồm: Từ Hoàng cung Thăng Long đến thánh địa Trúc Lâm; Hoàng đế Trần Nhân Tông - một đấng minh quân, một anh hùng dân tộc; Ðức Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhằm tái hiện cuộc đời, sự nghiệp Vua Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông sinh tại Thăng Long, gắn bó với mảnh đất này cho đến khi ngài cởi hoàng bào khoác áo cà sa, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Không chỉ Vua Trần Nhân Tông, các vị vua đầu đời nhà Trần đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và ứng dụng tư tưởng đạo Phật vào trị nước. Bởi vậy, mô-típ trang trí chịu ảnh hưởng của đạo Phật xuất hiện trong rất nhiều kiến trúc cung đình tại Hoàng thành Thăng Long. Trưng bày đem đến những hiện vật khảo cổ độc đáo, nổi bật nhất là hình tượng rồng trong lá đề (vương quyền gắn với đạo Phật) được làm bằng đất nung tìm được trong các cuộc khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long. Không tỉ mỉ, chi tiết như trang trí thời nhà Lý, trang trí thời nhà Trần toát lên vẻ khỏe khoắn của hào khí Ðông A.
Nhà Trần tiếp tục sử dụng lại một số cung điện thời nhà Lý, như điện Thiên An làm nơi thiết triều; đồng thời, gia cố La thành (thành đất bao ngoài kinh thành), xây dựng thêm một số cung điện: Cung Thánh Từ (dành cho Thượng hoàng), cung Quan Triều (dành cho vua)... Trong Hoàng cung cũng có nhiều ngôi chùa Hoàng gia, gồm: Tư Phúc, Chân Giáo, Diên Hựu... Trong đó, chùa Tư Phúc là nơi lưu giữ xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông sau này. Hiện chưa tìm được dấu vết các chùa Tư Phúc, Chân Giáo, song, quá trình khai quật khảo cổ đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng thời nhà Trần. Do các lớp kiến trúc chồng lên nhau, cho nên cùng với việc phục dựng sơ đồ mặt bằng không gian Hoàng thành qua các thời kỳ nói chung, các nhà khoa học đang kiến nghị phục dựng sơ đồ mặt bằng không gian thời nhà Trần trên cơ sở những dấu tích kiến trúc đã phát lộ để công chúng có thể hiểu thêm về Hoàng thành Thăng Long dưới thời nhà Trần - một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất của dân tộc. Tọa đàm cũng như các hiện vật trưng bày đã giúp công chúng hiểu hơn về vai trò của Vua Trần Nhân Tông trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên vào các năm 1285 và 1288; quá trình ngài xây dựng nền chính trị khoan hòa; quá trình tu tập, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; những di sản của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại Ninh Bình, Quảng Ninh.
Mặc dù vậy, di sản nổi bật nhất trong cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông chính là tư tưởng chính trị gần dân và những đóng góp to lớn về tư tưởng Phật giáo nhập thế, gắn bó với sự phát triển của dân tộc. Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tiếp tục phát triển một thời gian nữa, trước khi suy tàn do nhà nước đề cao tư tưởng Nho giáo. Gần 700 năm sau ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, nhận thấy giá trị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, những năm 1970, Thiền sư Thích Thanh Từ đã khôi phục Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Tại Hà Nội, Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (phường Cự Khối) được xây dựng năm 2005 là nơi tiếp nối tinh thần Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Với tinh thần nhập thế, hằng tuần, Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc tổ chức các buổi giảng pháp cho phật tử và nhân dân. Các bài giảng nói về những vấn đề xã hội, từ đạo hiếu, hôn nhân, học hành, đạo Phật với khoa học, với các vấn đề văn hóa... Thiền viện cũng tổ chức các khóa học dành riêng cho thiếu niên, thiếu nhi; tổ chức tư vấn mùa thi cho các sĩ tử... Mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật, có hàng trăm phật tử đến nghe pháp, tập thiền. Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc cho biết: "Với Thiền phái Trúc Lâm đương đại, chúng ta không chỉ thấy những vị hành giả tham thiền nhập định mà còn là những chân tu phục vụ xã hội bằng việc giảng dạy khuyên răn con người hướng thiện, thực hành các giá trị đạo đức phù hợp với văn hóa dân tộc".
Tọa đàm, trưng bày "Từ Hoàng cung Thăng Long đến thánh địa Trúc Lâm - Hành trình từ đấng minh quân đến Ðức Phật hoàng" là dịp để chúng ta hiểu thêm về cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông, trân trọng và phát huy giá trị di sản, tư tưởng mà Ngài để lại cho dân tộc.