Những hành động này được coi là nhằm thực hiện âm mưu đảo chính và cản trở các hoạt động của chính quyền tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã lên án mạnh mẽ "các hành vi bạo lực và phản dân chủ" tại Brazil, cho rằng đây là những hành động nhằm gây hỗn loạn và không tôn trọng ý chí chung của người dân Brazil được thể hiện qua cuộc bầu cử mà Tổng thống Lula da Silva là người chiến thắng.
Chủ tịch Díaz-Canel khẳng định Cuba hoàn toàn ủng hộ và đoàn kết với tân Tổng thống Lula da Silva và chính phủ được bầu cử dân chủ do ông lãnh đạo.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez cũng lên tiếng phản đối hành động đảo chính tại Brazil, bày tỏ tình đoàn kết với Tổng thống Lula da Silva, đồng thời kêu gọi tôn trọng nền dân chủ ở quốc gia Nam Mỹ này.
Tại Mexico, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cũng lên án "âm mưu đảo chính và phản dân chủ" ở Brazil. Nhà lãnh đạo Mexico đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người đồng cấp Brazil Lula da Silva, đồng thời khẳng định: "Ông Lula không đơn độc và nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng tiến bộ trong nước cũng như của Mexico, châu Mỹ và thế giới".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày đã lên tiếng chỉ trích các hành động của những người ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro và đang theo dõi sát tình hình.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington lên án mọi nỗ lực nhằm phá hoại nền dân chủ ở Brazil.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron lên án những hành vi phá hoại của hàng trăm người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro. Ông nhấn mạnh: "Cần phải tôn trọng ý chí của người dân Brazil và các thể chế dân chủ", đồng thời khẳng định: "Tổng thống Lula da Silva có thể tin tưởng vào sự ủng hộ vững chắc của Pháp". Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra tuyên bố lên án hành vi bạo loạn nói trên "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất".
Trong động thái tương tự, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa lên án các hành động chống phá tại Brazil, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết của nước này đối với tân Tổng thống Lula da Silva.