Thêm Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

NDO - Sữa mẹ là thức ăn duy nhất của trẻ trong vòng 6 tháng đầu sau khi sinh, vì vậy, những nỗ lực này của tỉnh Quảng Trị đã góp phần thực hiện mục tiêu của Bộ Y tế nhằm bảo đảm dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ, nhất là cho nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Cắt băng khai trương Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị
Cắt băng khai trương Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

Nhân Tháng hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu, ngày 14/8, tỉnh Quảng Trị đã khai trương Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị và đón nhận thêm một bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông.

Ngân hàng sữa mẹ khai trương tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị kết nối với Ngân hàng sữa mẹ thành phố Đà Nẵng, có thể cung cấp nguồn sữa mẹ thanh trùng cho 500 trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý mỗi tháng, nhất là nhóm trẻ dân tộc thiểu số tại đơn vị tỉnh.

Bác sĩ Phan Xuân Nam, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Sữa mẹ là liều thuốc điều trị với trẻ sinh non hoặc bệnh lý, giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng và thời gian nằm viện của trẻ. Chúng tôi mong muốn cứu sống trẻ sinh non nhờ Ngân hàng sữa mẹ.

Một số nghiên cứu cho thấy tại Việt Nam, nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu sống hơn 4.000 trẻ mỗi năm và đóng góp đáng kể vào sự phát triển dinh dưỡng, miễn dịch và cảm xúc của trẻ. Nhưng mỗi năm, Việt Nam vẫn còn lượng lớn sữa mẹ bị lãng phí vì bà mẹ không được hỗ trợ thích đáng để có thể tự tin nuôi con bằng sữa mẹ.

Thêm Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị ảnh 1

Tủ trữ sữa tại Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

Ông Roger Mathisen, Giám đốc Alive & Thrive (là sáng kiến toàn cầu nhằm cứu sống, ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sự phát triển khỏe mạnh của bà mẹ và trẻ em) khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho rằng: Cần sự chung tay của cả xã hội để mọi trẻ em đều được bú mẹ. Trong 10 năm qua, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng gấp đôi, nhưng cũng chỉ mới đạt được mức 45%. Nghĩa là một nửa trẻ em sinh ra ở Việt Nam đã không được nuôi dưỡng và lớn lên bằng sữa mẹ. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong một giờ đầu sau sinh và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng tuổi chỉ đạt 19%... Do vậy, cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ chính sách thai sản, sự hỗ trợ của gia đình, nơi làm việc và các cơ sở y tế để bà mẹ có được kiến thức, kỹ năng và điều kiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

Hệ thống gần 40 bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc tại Việt Nam do Chính phủ Ireland và Bộ Y tế hỗ trợ thông qua sáng kiến Alive & Thrive đang bảo đảm dịch vụ chăm sóc sơ sinh tốt nhất cho hơn 200.000 bà mẹ và trẻ em hàng năm. Bảy ngân hàng sữa mẹ trên cả nước mang lại nguồn sữa mẹ thanh trùng an toàn cho trẻ em khi chưa thể bú mẹ trực tiếp do mẹ hoặc trẻ bị bệnh nặng, trẻ sinh non, nhẹ cân. Đã có 6.000 bà mẹ hiến tặng sữa, cung cấp cho 70.000 trẻ sơ sinh trên cả nước.

Bác sĩ Đinh Quang Nhật, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakrông, nơi có 80% là dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Cô cho biết: Người dân tộc Pa Cô và Vân Kiều gặp nhiều khó khăn để chăm sóc dinh dưỡng tốt cho con trẻ, nhất là những gánh nặng về kinh tế. Khi đầu tư vào nuôi con bằng sữa mẹ, chúng tôi muốn giúp các gia đình tận dụng và trân quý nguồn dinh dưỡng tự nhiên và không tốn kém cho con em mình. Chúng tôi cũng muốn sản phụ sẽ luôn yên tâm khi chọn sinh tại bệnh viện thay vì sinh tại nhà vì dịch vụ chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm, sản phụ có người đồng hành trong phòng sinh.

Thêm Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị ảnh 2

Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông thực hành chăm sóc trẻ trên mô hình

Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ có những đầu tư về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” lấy các can thiệp hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ làm trọng tâm.

Phát biểu tại lễ công nhận Bệnh viện Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) cho biết: Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng cao gấp ba lần mức trung bình của cả nước. Do vậy, cách tiếp cận và mô hình như thế này sẽ giúp cải thiện dinh dưỡng của trẻ em và mang lại tác động bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Những thực hành tốt này rất cần được nhân rộng, phát huy trong thời gian tới.