Di tích Đăk Pek là di tích lịch sử có chiều dài từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước (từ năm 1929 đến 1974).
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp - năm 1954, thực hiện chiến dịch Bắc Tây Nguyên, lực lượng Quân khu 5 phối hợp với quân và dân Đăk Glei đánh đồn Đăk Pek, giải phóng huyện Đăk Glei (2/4/1954) và toàn tỉnh Kon Tum, góp phần làm nên Chiến thắng Bắc Tây Nguyên và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đăk Pek trở thành một cụm cứ điểm lớn của địch nằm ở phía bắc Tây Nguyên, nhằm ngăn chặn sự tiếp viện của ta từ miền bắc vào chiến trường miền nam; là tiền đồn án ngự khu vực biên giới Lào - Việt Nam. Do đó, nơi đây có hệ thống công sự rất kiên cố, với đủ loại trang thiết bị quân sự hiện đại như: sân bay, pháo, cối và các loại vũ khí khác, đặc biệt là hệ thống ấp chiến lược dày đặc bao quanh khu căn cứ.
Chiến thắng Đăk Pek năm 1974 đã đập tan “tấm tường thành bằng súng đạn” chắn giữ và đánh phá con đường chiến lược huyết mạch của địch, từ đó, mở ra con đường để lực lượng của ta tiến thẳng về áp sát Kon Tum tiến tới giải phóng toàn tỉnh.
Nơi đây, cũng đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh và quốc gia, cụ thể: sự kiện năm 1968 (chiến dịch Mậu Thân 1968); chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, đặc biệt là trận then chốt quyết định vào ngày 16/5/1974, giải phóng huyện Đăk Glei, góp phần vào việc khai thông con đường tiếp viện quan trọng vào nam - đường Trường Sơn; làm bàn đạp cho lực lượng vũ trang ta tham gia chiến dịch Tây Nguyên lịch sử (tháng 3 năm 1975); góp phần quan trọng để Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Chiến thắng Đăk Pek đã mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của đảng bộ và nhân dân H30 và H40 (nay là huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Ngày 16/5/1974 chính thức đi vào lịch sử khi trở thành ngày giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei.
Di tích đình Đại Hạnh. (Ảnh Internet) |
Đình Đại Hạnh thuộc thôn Đại Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được xếp hạng cấp tỉnh năm 2022. Đình thờ Chử Đồng Tử cùng Nhị vị Phu nhân Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa thời vua Hùng Vương thứ 18.
Đình Đại Hạnh được khởi dựng vào thời Hậu Lê với kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công (工) gồm các tòa Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Từ ngoài vào là Nghi môn được dựng dưới dạng trụ biểu với hai trụ lớn ở giữa và hai trụ nhỏ hai bên. Tiếp đến là sân đình. Khi xưa, sân đình là nơi họp chợ buôn bán. Đình chợ thường họp vào các ngày rằm, tuần tiết. Đây là nét văn hóa đặc sắc của cư dân thuộc vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Đại bái gồm 3 gian 2 chái, kết cấu kiểu bốn mái truyền thống đặc trưng thời Lê. Mái Đại bái được lợp bằng ngói mũi hài hay còn gọi là ngói ta hay ngói vẩy rồng. Đường bờ nóc đắp lưỡng long chầu hổ phù đội mặt nhật.
Đình kết cấu kiến trúc kiểu bốn mái nên hai mái phụ ở hai đầu hồi hay gọi là hai chái. Mỗi bên chái gồm một hàng cột quân. Hai hàng cột này xoay vuông góc với hàng cột trong gian chính. Hai bộ vì chính và hai bộ vì giáp chái được liên kết giống nhau kiểu con chồng đấu vuông. Hai bộ vì hồi kết cấu kiểu vì kèo trụ chống đơn giản. Bên dưới câu đầu gian trung tâm đặt bốn đầu dư tạo tác thành hình đầu rồng. Bốn bộ vì nách gian giữa được liên kết bởi các con rường xếp chồng lên nhau khép kín tạo thành bức cốn, mặt trước chạm biểu tượng tứ linh (Long, lân, quy, phượng); mặt sau chạm biểu tượng sóng nước.
Nối với Đại bái và Hậu cung là gian Ống muống với kết cấu kiến trúc đơn giản. Ống muống là nơi đặt ban thờ công đồng để thờ những người có công với làng với nước. Hậu cung ba gian, kết cấu kiến trúc kiểu vì giá chiêng đơn giản. Gian trung tâm đặt ngai, bài vị thờ Đức Thánh Chử cùng Nhị vị phu nhân là Tiên Dung và Tây Sa công chúa. Hằng năm, lễ hội tại đình Hạnh được diễn ra vào ngày mồng 10/2 âm lịch để tưởng nhớ tới công lao của các vị Thành hoàng.