Thêm 40 bác sĩ công tác tại vùng khó khăn được đào tạo theo chương trình đặc biệt

NDO - Các bác sĩ tham gia khóa đào tạo trong thời gian 24 tháng, với hình thức một thầy kèm một trò "cầm tay chỉ việc" và sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo cử đi đào tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Trao quyết định giao các thầy, cô trực tiếp hướng dẫn học viên.
Trao quyết định giao các thầy, cô trực tiếp hướng dẫn học viên.

Chiều 26/7, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa cấp 1 do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ.

Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (Dự án 585). Theo đó, cho phép các bác sĩ chính quy hoặc liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi đã được tuyển dụng tại huyện nghèo tham gia đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, một thầy kèm một trò theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

40 bác sĩ được tuyển chọn lần này sẽ đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 9 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Sản, Truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ công tác tối thiểu 5 năm tại 22 huyện nghèo thuộc 4 tỉnh: Tuyên Quang, Điện Biên, Hà Giang và Sơn La, nơi cử đi đào tạo.

Thêm 40 bác sĩ công tác tại vùng khó khăn được đào tạo theo chương trình đặc biệt ảnh 1
Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia phát biểu tại lễ khai giảng.

Tiến sĩ Phạm Văn tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia chia sẻ, Dự án 585 là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn; hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Dự báo về nhân lực y tế cho thấy nhu cầu về số lượng bác sĩ và điều dưỡng cũng sẽ tiếp tục tăng. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 72.000 bác sĩ, và 304.000 điều dưỡng. Phân tích dự báo nhu cầu theo từng vùng kinh tế-xã hội thì số lượng bác sĩ và điều dưỡng cần được bổ sung trong từng vùng là khá lớn, trong đó: vùng Bắc Trung bộ-Duyên hải miền trung cần khoảng 14.000 bác sĩ và 60.000 điều dưỡng; vùng Tây Nguyên cần khoảng 5.400 bác sĩ và 20.700 điều dưỡng...

Được biết, hoạt động đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án giai đoạn 1 bằng nguồn Dự án HPET đã kết thúc vào tháng 12/2020. Từ năm 2021, bằng sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, Bộ Y tế đã tổ chức khai giảng 5 lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho 184 bác sĩ trẻ tình nguyện tại 110 huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 34 tỉnh khu vực miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam bộ.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, ngoài việc hỗ trợ kinh phí đào tạo cho bác sĩ trẻ, Quỹ Thiện tâm cũng sẽ xem xét, tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn căn cứ vào nhu cầu triển khai các kỹ thuật của bệnh viện, trung tâm y tế đồng bộ với chuyên khoa đào tạo của bác sĩ.