Bác sĩ tình nguyện về vùng khó khăn

Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (Dự án 585) được triển khai từ năm 2015 đến nay đã bàn giao 15 khóa bác sĩ chuyên khoa cấp I với 354 bác sĩ trẻ cho 82 huyện nghèo thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Kết quả của dự án đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện tại các huyện vùng khó khăn; nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Bác sĩ chuyên khoa I, Bàn Văn Chiến, (người đứng thứ nhất từ phải sang trái), đang thực hiện ca mổ nội soi, tại Trung tâm Y tế huyện Bình Gia (Lạng Sơn).
Bác sĩ chuyên khoa I, Bàn Văn Chiến, (người đứng thứ nhất từ phải sang trái), đang thực hiện ca mổ nội soi, tại Trung tâm Y tế huyện Bình Gia (Lạng Sơn).

Gắn bó với đồng bào vùng cao

Bác sĩ chuyên khoa cấp I Vũ Tiến Thượng công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, tỉnh Ðiện Biên. Lần đầu đặt chân đến mảnh đất này vào chiều muộn 2/9/2020, mọi thứ đều lạ lẫm đối với chàng trai quê Thái Bình. Hầu hết bệnh nhân ở đây là đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái, Dao, nhiều người chưa thông thạo tiếng phổ thông, hoàn cảnh khó khăn, cho nên khi đến bệnh viện họ trông cậy hoàn toàn vào bác sĩ. Hiểu được hoàn cảnh, bệnh tình của người bệnh cho nên mỗi lần thăm khám, bác sĩ Thượng đều căn dặn kỹ càng giờ uống thuốc, giờ tiêm và cách phòng, tránh các bệnh lây nhiễm. Với những người không biết tiếng phổ thông, bác sĩ Thượng nhờ bệnh nhân khác làm phiên dịch, để người bệnh của anh hiểu được phương thức điều trị cụ thể, rõ ràng. Nhờ sự chăm sóc ân cần, tận tình của bác sĩ Vũ Tiến Thượng, hàng trăm bệnh nhân ở các xã trong huyện Tủa Chùa không chỉ được chữa trị khỏi bệnh, mà còn được hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Bệnh nhân Mùa A Páo ở xã Sín Chải cho biết: Vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đúng thời điểm có nhiều người mắc Covid-19, cho nên tôi lo lắng lắm. Nhưng được bác sĩ Thượng điều trị, hướng dẫn, tôi yên tâm hơn vì hiểu cách phòng bệnh.

Những ngày đầu xuân, rét đậm, rét hại bao trùm địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù vậy, các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Bình Gia vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ, vừa triển khai phòng, chống Covid-19, vừa tổ chức khám, điều trị bệnh cho người dân. Trò chuyện với các bác sĩ và những bệnh nhân từng điều trị tại đây, mọi người đều nhắc đến bác sĩ trẻ chuyên khoa cấp I Bàn Văn Chiến ở Khoa Ngoại tổng hợp với niềm tin yêu. Bác sĩ Chiến quê ở xã Tân Yên, huyện Tràng Ðịnh (Lạng Sơn). Năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học y, bác sĩ Chiến được tuyển dụng về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bình Gia. Năm 2017, Chiến là bác sĩ đầu tiên của trung tâm được cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I ngoại khoa tại Trường đại học Y Hà Nội theo chương trình Dự án 585. Hoàn thành khóa đào tạo, anh trở về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện. Nhờ quy trình đào tạo bài bản, từ năm 2020 đến nay, bác sĩ Chiến đã tham gia hơn 1.500 ca mổ, trong đó hơn 700 ca là bác sĩ mổ chính trong các ca cấp cứu ngoại khoa..., giúp người bệnh được phẫu thuật kịp thời ngay tại Trung tâm Y tế huyện, giảm chi phí do không phải chuyển lên tuyến trên. Bệnh nhân Lưu Văn Thức, 60 tuổi, trú tại thôn Bản Quần, xã Quang Trung (huyện Bình Gia) chia sẻ: Tôi bị vỡ lách, vỡ gan sau tai nạn giao thông, nhờ bác sĩ Chiến phẫu thuật thành công, hiện sức khỏe đã ổn định và được ra viện...

Dù công việc bề bộn, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng bác sĩ Chiến không chỉ tích cực tham gia hoạt động chuyên môn mà còn là Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện, tích cực vận động đoàn viên tham gia Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tình nguyện.

Những ngày này, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính là chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ trẻ Ðặng Thị Thùy, người dân tộc Dao, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) còn thực hiện thêm việc khám sàng lọc phòng, chống dịch Covid-19. Thùy chia sẻ, tham gia Dự án 585, chị được cử đi đào tạo trình độ chuyên khoa cấp I chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh tại Trường đại học Y Hải Phòng. Ðây là may mắn với Thùy vì khi đi học chị được tài trợ toàn bộ học phí, lên tới hơn 100 triệu đồng. Ðược đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề của bác sĩ Thùy đã nâng lên rõ rệt. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn, thời gian qua, Trung tâm đã có hai bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa I theo Dự án 585 tại Trường đại học Y Hải Phòng và Trường đại học Y Hà Nội. Khi trở về, cả hai bác sĩ đều thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tốt hơn hẳn. Trong năm 2022, Trung tâm tiếp tục có thêm ba bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa cấp I theo Dự án 585.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở vùng khó khăn

TS, BS Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học-công nghệ và Ðào tạo, Bộ Y tế cho biết: Giai đoạn 1 của Dự án 585 (từ năm 2015 đến năm 2020) đã tuyển dụng, tổ chức đào tạo 354 bác sĩ tình nguyện là viên chức của các đơn vị. Trong đó có 44 bác sĩ tuyển dụng tại 19 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 310 bác sĩ tuyển dụng tại địa phương tình nguyện công tác tại 85 huyện nghèo của 22 tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Các bác sĩ sau khi được đào tạo chuyên khoa cấp I đã được bàn giao cho các bệnh viện, trung tâm y tế của 82 huyện nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Việc triển khai dự án còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Sau thời gian tình nguyện ba năm tại các bệnh viện ở địa bàn khó khăn, một số bác sĩ đã làm đơn đề nghị kéo dài thời gian tình nguyện, tiếp tục ở lại giúp người bệnh và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.

Ông Lương Văn Tiến, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế Lạng Sơn ghi nhận: Dự án 585 tạo bước đột phá cho ngành y tế tỉnh trong việc tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa bàn còn khó khăn. Ban đầu, dự án được triển khai tại ba huyện khó khăn: Bình Gia, Ðình Lập và Văn Quan, sau đó tiếp tục triển khai tại ba huyện biên giới: Cao Lộc, Lộc Bình và Tràng Ðịnh. Ðến nay, tỉnh đã có 20 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa cấp I theo dự án.

Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Gia (Lạng Sơn) cho biết, những năm trước, việc thu hút bác sĩ trẻ về công tác tại huyện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi Dự án 585 mở rộng đối tượng tham gia, nhiều bác sĩ trẻ đang công tác tại đơn vị đã được chọn gửi đi đào tạo. Từ năm 2017 đến năm 2021, đơn vị có tám bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa cấp I, đến nay, có sáu bác sĩ về đơn vị công tác, nâng số bác sĩ chuyên khoa cấp I lên 21 người. Các bác sĩ đã thực hiện được một số kỹ thuật phẫu thuật, thủ thuật khó như: Phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa viêm, u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, cắt túi mật, đặt nội khí quản cấp cứu,… Chất lượng khám, chữa bệnh của trung tâm đã được nâng lên rõ rệt, số bệnh nhân chuyển tuyến trên giảm dần từng năm.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Ðiện Biên có 32 bác sĩ ở sáu huyện vùng cao, biên giới: Mường Chà, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ được cử đào tạo chuyên khoa cấp I. Tỉnh Bắc Kạn đã cử 12 bác sĩ trẻ tham gia các khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I các chuyên ngành, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trước nhu cầu cấp thiết của ngành y tế tại các vùng khó khăn, sau khi kết thúc giai đoạn 1 dự án, Bộ Y tế đã quyết định tiếp tục thực hiện giai đoạn mới của Dự án 585 từ năm 2021. TS, BS Phạm Văn Tác cho biết, giai đoạn 2 của dự án mở rộng đối tượng tham gia là bác sĩ chính quy và bác sĩ đào tạo hệ liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi, đồng thời quy định thời gian tình nguyện làm việc tại các bệnh viện ở huyện vùng khó khăn là tối thiểu 5 năm (giai đoạn 1, thời gian này là ba năm đối với bác sĩ nam và hai năm đối với bác sĩ nữ). Các chương trình đào tạo được cập nhật bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nhất là sau đại dịch Covid-19, chú trọng chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho tất cả 11 chương trình chuyên khoa I thuộc dự án. Ðến nay, Bộ Y tế và các bên liên quan, nhà tài trợ đã làm việc với các Sở Y tế, huyện khó khăn để khảo sát khớp nối nguồn cung và nhu cầu bác sĩ trẻ tại các địa phương. Tháng 11/2021, dự án đã khai giảng lớp đào tạo 50 bác sĩ. Ngày 25/2/2022, tiếp tục khai giảng lớp thứ hai, đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho 40 bác sĩ trẻ của 25 huyện khó khăn thuộc 10 tỉnh. Dự kiến, trong năm 2022, dự án tiếp nhận 100 bác sĩ và tăng dần qua các năm căn cứ vào nhu cầu của các huyện khó khăn, nhằm tạo cơ hội cho người dân ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn ■

Hương Sơn và Lan Tráng