Thể thao Việt Nam cần những thay đổi mạnh mẽ

Đến thời điểm này tại ASIAD 19, Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được ba Huy chương vàng (HCV) và xếp thứ 21 trên bảng xếp hạng. Nếu nói về mục tiêu khiêm tốn đặt ra có từ 2 đến 5 HCV tại Á vận hội lần này thì thể thao nước ta đã hoàn thành.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam giành Huy chương Vàng môn karate.
Việt Nam giành Huy chương Vàng môn karate.

Tuy nhiên, nhìn vào những nước nằm trong tốp 5 châu lục, đó lại là một khoảng cách xa vời vợi, còn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp thứ 6 sau các nước: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Hiện tại, Thái Lan dẫn đầu khu vực khi có tới 12 HCV (lọt vào tốp 10 châu lục ở vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng), gấp chúng ta bốn lần; Indonesia có 7 HCV (xếp thứ 13), Malaysia có 6 HCV, Philippines có 4 HCV và ngay cả Singapore tuy cũng có 3 HCV, nhưng hơn Việt Nam về số lượng Huy chương bạc (HCB).

Có thể nói, ASIAD là thước đo khẳng định vị thế, qua đó mới thấy vị trí của thể thao Việt Nam đang ở đâu trên tầm châu lục và nhất là trong khu vực. Tại SEA Games 31 và 32, chúng ta liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương. Riêng tại SEA Games 32 vào tháng 5 vừa qua, đoàn thể thao nước ta giành được tới 136 HCV, hơn đoàn Thái Lan xếp thứ hai 28 HCV và bỏ xa các nước còn lại.

Những con số so sánh ở tầm châu lục và khu vực đã thể hiện sức mạnh thật sự của thể thao mỗi nước và chúng ta phải thừa nhận, thể thao Việt Nam đang có những bước thụt lùi. Điều đáng nói là những HCV mà các nước trong khu vực giành được đều nằm ở các nội dung cơ bản của Olympic và ASIAD. Với thành tích tại ASIAD 19, không nhiều hy vọng các VĐV Việt Nam sẽ có huy chương ở kỳ Olympic 2024 sắp tới.

Những con số so sánh ở tầm châu lục và khu vực đã thể hiện sức mạnh thật sự của thể thao mỗi nước và chúng ta phải thừa nhận, thể thao Việt Nam đang có những bước thụt lùi.

Tại ASIAD 19, cho dù rất nỗ lực, nhưng gần như toàn bộ những VĐV được kỳ vọng sẽ mang HCV về cho thể thao nước ta đều không thành công. Trong ba môn mà VĐV Việt Nam đoạt HCV, ngoại trừ bắn súng là nằm trong môn cơ bản Olympic, còn cầu mây lại không phải môn phổ biến, karatedo cũng bị loại khỏi Olympic 2024.

Trong khi đó, ở môn thi đấu quan trọng là điền kinh, thể hiện sức mạnh của một nền thể thao, đội tuyển nước ta đã trắng tay, còn bốn nước cùng khu vực đều có huy chương là: Singapore (1 HCV, 1 HCB), Philippines (1 HCV), Thái Lan (2 HCB), Malaysia (3 HCĐ).

Đáng tiếc hơn, qua ASIAD, chưa có một VĐV điền kinh nào của Việt Nam đạt chuẩn tham dự Olympic 2024. Các môn Olympic khác như bắn cung, cử tạ, taekwondo, cờ vua hay môn ASIAD như wushu... các VĐV nước ta cũng không ghi được dấu ấn đáng kể, ngoài điểm sáng là việc đội tuyển bóng chuyền nữ lần đầu trong lịch sử vào tới bán kết Á vận hội trước các đối thủ rất mạnh.

Thực tế cho thấy, thành tích nổi trội ở SEA Games không nói lên sức mạnh của thể thao Việt Nam khi so sánh với các nước khu vực trên đấu trường châu lục và thế giới. Khách quan mà nói, có nhiều yếu tố khiến các VĐV nước ta thi đấu không thành công tại ASIAD 19, nhưng về chủ quan thì có nhiều nguyên nhân đến từ chính chúng ta.

Việc kêu gọi đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các nội dung và VĐV thi đấu ASIAD, Olympic đã có từ nhiều năm qua, song chuyển biến không nhanh nếu so với các nước chung quanh. Chúng ta vẫn còn tiếp tục chạy theo thành tích thể thao tầm khu vực khi chi tiền đầu tư một cách dàn trải vào SEA Games với số lượng VĐV quá đông (khoảng 700 VĐV) và dự đấu ở tất cả các môn, trong đó rất nhiều môn không nằm trong hệ thống thi đấu Olympic để có thành tích dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực.

Riêng số tiền này đã "ngốn" khoản không nhỏ trong ngân sách vốn đã eo hẹp chi cho thể thao cả năm (khoảng 800 đến 900 tỷ đồng). Mặc dù đã bị chỉ trích nhiều, song căn bệnh thành tích vẫn còn đè nặng lên tư duy cả ở cấp quản lý trung ương và địa phương, kéo thể thao phát triển, không đúng hướng thực chất.

Sự tụt hậu thành tích ở kỳ đại hội châu lục lần này đã và đang là hồi chuông cảnh báo đến các nhà quản lý và làm thể thao nước ta để từ đó đưa ra được những chiến lược đầu tư và giải pháp hiệu quả nhằm đưa thể thao Việt Nam vươn tầm ở các môn Olympic. Thực ra, nguyên nhân cho thực trạng thành tích nêu trên không có gì mới, từng được các nhà chuyên môn và dư luận đề cập nhiều, song để giải quyết được đòi hỏi một quyết tâm, nỗ lực lớn và sự thống nhất từ các cấp quản lý.

Sự tụt hậu thành tích ở kỳ đại hội châu lục lần này đã và đang là hồi chuông cảnh báo đến các nhà quản lý và làm thể thao nước ta để từ đó đưa ra được những chiến lược đầu tư và giải pháp hiệu quả nhằm đưa thể thao Việt Nam vươn tầm ở các môn Olympic.

Ngoài việc tăng ngân sách cho thể thao, chúng ta phải huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư để tránh tình trạng "giật gấu vá vai" khi chỉ trông chờ vào Nhà nước. Không có sự đầu tư mạnh mẽ thì thể thao Việt Nam sẽ khó có được thành tích cao ở tầm châu lục hay thế giới như một số nước trong khu vực.

Bên cạnh việc xã hội hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và thu nhập cho VĐV, huấn luyện viên, mời gọi các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi, tăng cường tập huấn, cọ xát thi đấu tích lũy kinh nghiệm, tìm hướng cho VĐV có khả năng xuất ngoại thi đấu ở những nền thể thao phát triển, chúng ta cần triển khai hiệu quả chiến lược phát triển thể thao học đường làm nền tảng cơ sở phát hiện, bồi dưỡng các tài năng, từng bước thực hiện chuyên nghiệp hóa.

Đối với các môn ASIAD và Olympic nên có một kế hoạch, lộ trình phát triển bài bản, đồng bộ từ cấp cơ sở và sự đầu tư nghiêm túc, trọng tâm, trọng điểm với thời gian lâu dài, phù hợp tố chất con người Việt Nam, đồng thời xây dựng được lực lượng VĐV trẻ, tránh tình trạng đứt quãng giữa "thế hệ vàng" và kế cận như đang diễn ra ở một số môn thể thao quan trọng.

Đã đến lúc không thể do dự trong quan điểm phát triển để tập trung vào những môn thể thao Olympic trong cuộc đua tranh vươn tầm đầy khó khăn. Nếu thể thao Việt Nam không vượt khỏi lối tư duy quanh quẩn thành tích "ao làng" thì sẽ rất khó để vươn ra sông dài, biển lớn.