Thế giới trẻ thơ trong truyện của nhà văn Áo Mira Lobe

NDO - Nữ nhà văn Áo Mira Lobe được biết đến với những tác phẩm văn học thiếu nhi gần gũi, tràn đầy tình cảm yêu thương. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành và rất được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích.
0:00 / 0:00
0:00
Các tác phẩm truyện tranh của tác giả Mira Lobe. (Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng)
Các tác phẩm truyện tranh của tác giả Mira Lobe. (Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Các tác phẩm của Mira Lobe được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu trong dịp hè năm nay gồm truyện dài “Bà ngoại trên cây táo” và ba tác phẩm sách tranh “Lại đây nào! Mèo bảo”, “Tôi là tôi bé nhỏ”, “Thành phố quanh vòng quanh”.

Dịch giả Chu Thu Phương là người chuyển ngữ những cuốn sách của tác giả Mira Lobe. Chị cho biết, lý do chị lựa chọn các tác phẩm của Mira Lobe để chuyển ngữ là do bà có giọng văn hay, dễ gần, đơn giản và có những câu chuyện mang tính cập nhật cho trẻ em.

Thí dụ, ở “Thành phố quanh vòng quanh”, ông thị trưởng muốn mở rộng thành phố để tạo các tiện ích cho người dân nhưng điều này dẫn đến phải phá rừng. Và tác giả đưa ra một giải pháp hết sức hợp lý với độc giả nhỏ tuổi, là xây dựng thành phố chung quanh và giữ lại khu rừng ở giữa.

Thế giới trẻ thơ trong truyện của nhà văn Áo Mira Lobe ảnh 1

Tác phẩm của Mira Lobe cũng mang tính nhân văn sâu sắc, hướng trẻ em tới tính thiện và tình yêu gia đình. Điều này thể hiện rõ nhất ở cuốn “Bà ngoại trên cây táo”, với khao khát có một người bà của cậu bé Andi. Nỗi khao khát ấy đã đưa cậu đến với những trò chơi tuyệt đẹp, hiện thực hóa giấc mơ của cậu và gắn kết cậu với một người bà có thực. Những ước mơ, khát khao chính là con đường dẫn tới cuộc sống tốt đẹp hơn và nhân văn hơn. Cuốn sách nhận được giải thưởng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên Áo năm 1965 và được xếp trong Danh sách danh dự Giải thưởng Nhà nước Áo năm 1971.

Ba cuốn sách tranh “Lại đây nào! Mèo bảo”, “Tôi là tôi bé nhỏ”, “Thành phố quanh vòng quanh” của Mira Lobe cũng là những tác phẩm tiêu biểu của bà với rất nhiều giải thưởng và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Dù ở truyện dài hay truyện tranh, Mira Lobe đều thể hiện một cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ. Đối với bà, thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn khi những công dân nhí được có tiếng nói của riêng mình. Văn chương của Mira Lobe đề cao tinh thần bác ái, hòa bình, nhân văn sâu sắc.

Dịch giả Chu Thu Phương cũng cho biết, những nhân vật trong các tác phẩm của Mira Lobe mang những tính cách khác nhau và đều rất thú vị. “Tôi coi mỗi nhân vật trong sách mà mình đã dịch như những bạn nhỏ thân thiết. Thông qua sách để hướng dẫn các em về cách ứng xử trong cuộc sống, giáo dục lối sống nhân văn, tình yêu thương. Bộ truyện tranh do họa sĩ đã gắn bó với trẻ em nhiều năm trình bày nên cách thể hiện rất tươi sáng, ngây thơ, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi”, dịch giả Chu Thu Phương chia sẻ.

Thế giới trẻ thơ trong truyện của nhà văn Áo Mira Lobe ảnh 2

Mira Lobe (1913-1995) sinh ra tại thành phố Görlitz (Đức) và có thời gian sinh sống tại vùng Palestine (khi ấy thuộc Anh). Năm 1951, bà theo chồng là diễn viên, nhà sản xuất kịch Friedrich Lobe về Viên làm việc. Bà đã chọn thủ đô của Áo làm nơi sinh sống và nơi đây đã có ảnh hưởng lớn tới các sáng tác của bà.

Khi bắt đầu làm mẹ, Mira Lobe viết truyện thiếu nhi, nhờ đó bà nổi tiếng nhanh chóng. Bà đã viết hơn 100 cuốn sách và các tác phẩm của bà đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng khác nhau. Mọi câu chuyện của Mira Lobe luôn mang một ngôn ngữ tuyệt vời và tràn đầy yêu thương.

Đồng hành chính trong các sách tranh thiếu nhi của bà là họa sĩ Susi Weigel - người đã biến những cuốn sách trở thành tác phẩm giàu nghệ thuật thị giác cho trẻ nhỏ.

Thế giới trẻ thơ trong truyện của nhà văn Áo Mira Lobe ảnh 3
Tranh minh họa do họa sĩ Susi Weigel thực hiện.

Sách của Mira Lobe đã chứng tỏ sức hút đối với bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Bé Nguyễn Vũ Ngọc Linh, (Trường tiểu học Xuân La, Tây Hồ) cho biết: "Con rất thích truyện 'Lại đây nào! Mèo bảo", vì chỉ có câu chuyện trú mưa và dạt lên một khúc gỗ thôi mà rất thú vị và buồn cười".

Nhà văn Mira Lobe từng tâm sự: “Ý nghĩa sâu sắc của những truyện viết cho trẻ em, theo tôi là giúp trẻ có lòng tự tin. Viết văn là một công việc đẹp đẽ, thật sự rất đẹp, khi viết, người ta cảm thấy mình đang sống. Đấy là cảm giác đẹp đẽ thứ nhì, chỉ sau cảm giác được yêu”.