Thế giới trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử

NDO - Trong tháng 6/2023, nhiệt độ trung bình trên thế giới cao hơn 0,5oC so với cùng kỳ giai đoạn 1991-2020 và vượt mức kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 6/2019.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng biến đổi khí hậu cùng với sự trở lại của hiện tượng El Nino trong năm nay được cho là nguyên nhân dẫn đến các kỷ lục mới về nhiệt độ thời gian qua. (Ảnh minh họa: Reuters)
Tình trạng biến đổi khí hậu cùng với sự trở lại của hiện tượng El Nino trong năm nay được cho là nguyên nhân dẫn đến các kỷ lục mới về nhiệt độ thời gian qua. (Ảnh minh họa: Reuters)

Ngày 6/7, Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ cao bất thường ở cả đất liền và trên biển.

Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6/2023 cao hơn 0,5oC so với cùng kỳ giai đoạn 1991-2020 và vượt mức kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 6/2019.

“Biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ toàn cầu chạm tới những kỷ lục mới và các hình thái thời tiết ngắn hạn cũng thúc đẩy sự thay đổi nhiệt độ”, Copernicus nhận định.

Theo đó, nhiệt độ cao kỷ lục tháng trước đã càn quét khắp các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Iran, Canada, trong khi ở Mexico, hơn 100 người chết vì nắng nóng khắc nghiệt.

Các nhà khoa học cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu cùng với sự trở lại của hiện tượng El Nino trong năm nay là nguyên nhân dẫn đến các kỷ lục mới về nhiệt độ thời gian qua.

“Kỷ lục này không có gì đáng ngạc nhiên và nó là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ đáng lo ngại”, giáo sư Joeri Rogelj, nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London nhấn mạnh.

Giáo sư Rogelj cũng cảnh báo sẽ xuất hiện thêm nhiều kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu mới khi El Nino hoạt động với cường độ mạnh mẽ hơn trong những tháng tới đây.

Ngày 4/7 vừa qua đã trở thành ngày nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt kỷ lục mới ngày thứ hai liên tiếp. Cụ thể, nhiệt độ trung bình của không khí trên bề mặt Trái đất trong ngày 4/7 đã lên mức 17,18oC, cao hơn mức 17oC ghi nhận một ngày trước đó.

Cũng theo dữ liệu của Copernicus, không chỉ trên đất liền, mà ngay cả nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu cũng đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6/2023, khi các đợt sóng nhiệt cực đoan càn quét các vùng biển chung quanh Ireland, Vương quốc Anh và Biển Baltic.

Bên cạnh đó, băng biển ở Nam Cực tháng trước cũng đã giảm xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước đây, ít hơn 17% so với mức trung bình.