Thế giới bỏ lỡ các mục tiêu khí hậu mặc dù Covid-19 đã làm giảm khí thải, ô nhiễm

NDO -

Ngày 16/9, Liên hợp quốc cho biết, tốc độ biến đổi khí hậu đã không bị chậm lại bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và thế giới vẫn bị tụt hậu trong cuộc chiến cắt giảm lượng khí thải carbon.

Tốc độ biến đổi khí hậu đã không bị chậm lại bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và lượng khí thải carbon đang tăng trở lại.
Tốc độ biến đổi khí hậu đã không bị chậm lại bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và lượng khí thải carbon đang tăng trở lại.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), suy thoái kinh tế liên quan đến đại dịch chỉ gây ra sự suy giảm tạm thời về lượng khí thải CO2 vào năm ngoái và nó không đủ để đảo ngược mức độ gia tăng của khí nhà kính trong khí quyển.

Báo cáo có tên “United in Science 2021” của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, thế giới sẽ bỏ lỡ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giảm sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: “Đây là một năm quan trọng của hành động vì khí hậu và kết quả là một đánh giá đáng báo động về mức độ cho thấy chúng ta đang đi lệch hướng”.

Ông Antonio Guterres cho biết thêm, trong năm nay thế giới đã chứng kiến ​​lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch tăng trở lại, nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do con người tác động đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và sinh kế ở mọi nơi trên toàn cầu.

Liên hợp quốc cho biết, nồng độ của các khí nhà kính như CO2, metan và nitơ oxit trong bầu khí quyển tiếp tục tăng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu trong vòng 5 năm qua là một trong những mức cao nhất được ghi nhận, ước tính cao hơn cả mức thời kỳ tiền công nghiệp từ 1,06 độ C đến 1,26 độ C.

Liên hợp quốc dự báo trong năm năm tới, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu có khả năng tăng 40% và sẽ ấm hơn ít nhất 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

“Trừ khi có những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn, việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C là điều không thể, hậu quả thảm khốc đối với con người và hành tinh mà chúng ta phụ thuộc vào sẽ là tất yếu”, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết.

Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO cho biết: “Trong suốt đại dịch Covid-19, chúng ta phải nỗ lực xây nhiều hơn nữa để đưa nhân loại đi theo con đường bền vững và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với xã hội và các nền kinh tế”. Tuy nhiên, báo cáo của WMO cho thấy rằng cho đến nay, “chúng ta đang không đi đúng hướng”, ông Petteri Taalas nói.