Thay đổi tư duy của doanh nghiệp trong phát triển bền vững

NDO - Phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, và còn đặt nền móng phát triển bền vững hơn cho tương lai, giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Ở một khía cạnh khác, xu hướng phát triển xanh và bền vững đã và đang hình thành "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh.
Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh.

Đây là nhận định được đưa ra tại lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 (CSI 2023) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức sáng 31/5, tại Hà Nội.

Dự kiến, danh sách các doanh nghiệp bền vững năm 2023 sẽ được VCCI và VBCSD công bố vào tuần đầu tiên của tháng 12.

Đây là năm thứ 8 CSI được triển khai theo sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm ghi nhận, biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trên cả 3 khía cạnh toàn diện: kinh tế-xã hội-môi trường.

Bộ chỉ số CSI 2023 cũng có thêm những điểm mới, được dùng để làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia chương trình. Bộ chỉ số mới được chia làm 7 phần (tăng 4 phần so phiên bản cũ), bao gồm 130 chỉ số với 63% là các chỉ số tuân thủ, 37% là các chỉ số nâng cao.

Ngoài ra, CSI 2023 cũng tích hợp sâu Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, nhấn mạnh vào 3 yếu tố: kiểm đếm phát thải carbon, hoạt động thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn. Yếu tố mới nhất được tích hợp vào CSI 2023 phải kể đến là việc yêu cầu doanh nghiệp giải trình, báo cáo về bộ đo lường: môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).

Đây là điểm hỗ trợ đặc biệt, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, giúp doanh nghiệp lập được các báo cáo phát triển bền vững tích hợp ESG.

Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Lấy dẫn chứng số liệu khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng mới thực hiện gần đây, ông Vinh cho biết bức tranh kinh tế hiện nay đang có nhiều gam màu tối.

Theo đó, có hơn 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay. Doanh nghiệp cũng thể hiện niềm tin thấp khi hơn 81% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại năm nay.

Những con số trên cũng tương đồng với những dự báo đã được đưa ra trước đó về một giai đoạn "hậu Covid", lúc doanh nghiệp thực sự "ngấm đòn" khi nguồn lực dữ trự đã cạn kiệt vì phải ứng phó với đại dịch.

Nếu vài năm trước đây, doanh nghiệp còn mơ hồ, nghĩ về phát triển bền vững như một câu chuyện xa xôi, chỉ dành cho "các ông lớn", thì bây giờ chuyện đó đã trở nên sát sườn, thực tế hơn.

Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững. Khi nhìn vào xu hướng tiêu dùng và đầu tư tập trung vào tính bền vững hiện nay, doanh nghiệp sẽ thấy phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp.

Ông Vinh lấy dẫn chứng những doanh nghiệp đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch xảy ra, như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO,… Đó là những doanh nghiệp vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác.

Cùng với tư duy đó, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ "xanh" có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.