Chuyển biến trong nhận thức
Tính đến hết năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc đã đạt 95,4%, tăng 2% so với năm học 2019-2020.
Qua thống kê, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên đang phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ hơn 92,5%), thì đến nay, cả nước đã có trên 19 triệu học sinh-sinh viên tham gia (đạt tỷ lệ hơn 96%). Trong đó, hơn 12,4 triệu học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tại nhà trường, và hơn 4,6 triệu học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng khác.
Đây một kết quả rất tích cực,từ đó cho thấy sự thay đổi nhận trong nhận thức về tham gia bảo hiểm y tế của học sinh-sinh viên, các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục.
Trong lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, học sinh-sinh viên tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ bảo hiểm y tế.
Trên tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020.
Đối với nhóm đối tượng học sinh-sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước tổ chức thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế của học sinh-sinh viên.
Hiện nay, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ là học sinh-sinh viên, đã được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc. Điều này tạo ra nền tảng quan trọng trong tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở nước ta. Bên cạnh quy định bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc, Luật Bảo hiểm y tế 2014 cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện
Đặc biệt, Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC cũng quy định cơ sở giáo dục thu tiền đóng của học sinh-sinh viên để nộp vào Quỹ Bảo hiểm y tế, và các nhà trường có trách nhiệm bảo đảm sử dụng đúng quy định phần kinh phí được trích lại cho công tác y tế trường học.
Chủ động tham gia bảo hiểm y tế cho con em
Quỹ Bảo hiểm y tế cũng góp phần giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh-sinh viên trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Trong xu thế quyền lợi khám, chữa bệnh về bảo hiểm y tế cho người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, học sinh-sinh viên cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn nữa từ Quỹ Bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh-sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Qua việc tham gia bảo hiểm y tế, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh-sinh viên, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.
Đó là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng và phối hợp hiệu quả của các ngành: giáo dục-đào tạo, lao động-thương binh và xã hội, y tế, bảo hiểm xã hội, Đặc biệt, có sự vào cuộc trực tiếp, tích cực, hiệu quả của ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trong các trường học trên cả nước. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên cũng như hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học.
Hằng năm, theo sự chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đều chủ động ký kết chương trình phối hợp ngành giáo dục-đào tạo cùng cấp. Đồng thời, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập ban chỉ đạo, ban hành công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến các trường học trên địa bàn và tổ chức sơ kết, đánh giá, đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng góp phần nâng cao tầm hiểu biết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận động tham gia bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên. Điều này góp phần tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách bảo hiểm y tế, thu hút ngày càng nhiều người dân quan tấm đến quyền lợi của việc được tham gia bảo hiểm y tế để bảo vệ bản thân và chia sẻ cộng đồng.
Mặt khác, tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng đã có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên, trở thành ý thức trách nhiệm của các thầy cô giáo, học sinh-sinh viên và sự đồng tình của phụ huynh học sinh.
Số học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế không ngừng tăng qua các năm cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh-sinh viên về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế… đã được nâng cao.
Đơn cử, nếu như trước đây, một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí khám, chữa bệnh lớn mới tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia bảo hiểm y tế cho con em ngay từ khi các con đang khỏe mạnh.
Từ quan niệm bị động trong tham gia bảo hiểm y tế, phụ huynh học sinh-sinh viên đã chuyển sang tâm thế chủ động, tham gia bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe cho con em khi cần.