Bước đi đột phá với du lịch đêm
Dễ dàng nhận thấy, những mô hình du lịch đêm tại các điểm di sản, văn hóa trải qua một thời gian hoạt động đã thực sự thổi những làn gió mới, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của du khách.
Trong đó kể đến những cái tên nổi bật như “Đêm thiêng liêng” của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một sự kiện được mong chờ đối với nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.
Sau “ngọn lửa” được thắp lên bởi Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ra đời cho du khách trải nghiệm ngược thời gian trở về quá khứ, khám phá không gian cung điện nguy nga xưa.
Tiếp nối đó là sự ra mắt của tour du lịch “Chữ Tâm, Chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Cuối tháng 10 vừa qua, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang tên “Tinh hoa đạo học” cũng trình làng trong sự háo hức của người dân Thủ đô.
Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang tên “Tinh hoa đạo học”. |
Hay mới đây, tại Ô Quan Chưởng với màn trình chiếu “Đêm Di sản” đã khiến cửa ngõ hàng trăm năm tuổi của Hà Nội như “sống dậy” kể những câu chuyện cổ xưa…
Không dừng lại ở những địa điểm riêng biệt, Hà Nội cũng triển khai hệ thống các sản phẩm du lịch đêm kết nối những điểm cầu di sản, di tích. Có thể kể đến như dự án tour xe đạp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đưa khách tham quan ghé thăm Hoàng thành Thăng Long và thưởng thức ẩm thực tại phố đi bộ Trúc Bạch; hay tour đêm Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tại số 22 Hàng Buồm, đưa người tham gia trải nghiệm không gian văn hóa tại phố đi bộ Hồ Gươm.
Điều này khiến du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn đa dạng để cảm nhận một Hà Nội “tân cổ giao duyên” với những bài học lịch sử, văn hóa đầy cảm xúc.
Ô Quan Chưởng với màn trình chiếu “Đêm Di sản”. |
Trong những hoạt động kể trên, rất nhiều hoạt động được diễn ra về đêm. Việc thay đổi khung cảnh mang tính đột phá này đem đến sự độc đáo, thu hút đông đảo du khách, nhất là các bạn trẻ tìm đến tham quan khám phá.
Những hoạt động này không chỉ thúc đẩy ngành du lịch Thủ đô phát triển mà còn tăng thêm trải nghiệm cho du khách ở một góc độ chưa từng có, một bước tiến cho đêm Hà Nội “dài” hơn và thú vị hơn.
Qua những gì mà các tour du lịch mới mẻ tại Hà Nội mang đến, không thể phủ nhận rằng loạt tour đêm đã thực sự “đánh thức” tiềm năng của chuỗi di sản văn hóa, lịch sử tại Hà Nội. Thực tế cho thấy, các chương trình đã thay đổi có tính “ngoạn mục”, làm sống dậy nhiều giá trị lịch sử nói riêng và giúp hoạt động du lịch trở nên thu hút hơn ở góc độ tổng quan.
Những con số khởi sắc và mang nhiều ý nghĩa
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi mạnh, có kết quả ấn tượng, như ước thực hiện năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022; trong đó gồm 4 triệu lượt khách quốc tế (có 2,82 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 138,1% so với năm 2022 và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16% so với năm 2022.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.
Thành phố Hà Nội hiện có 35 điểm du lịch, khu du lịch được công nhận cấp thành phố.
Thành phố Hà Nội hiện có 35 điểm du lịch, khu du lịch được công nhận cấp thành phố.
Thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội không ngừng được củng cố và nâng cao trên bản đồ du lịch quốc tế, cụ thể: Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao các giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á, giải thưởng “Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023”.
Tuyến tàu “Hành trình di sản” đưa du khách khám phá những công trình kiến trúc lịch sử trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. |
Các sự kiện du lịch của Thành phố tạo được tiếng vang lớn, thu hút đông đảo du khách quốc tế, như: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, với hơn 60.000 lượt du khách trong và ngoài nước tham dự. Lễ hội sản phẩm quà tặng du lịch thu hút khoảng 20.000 lượt du khách;… Festival Thu Hà Nội có sự tham dự của hơn 60.000 lượt người tham gia.
Du lịch Hà Nội có tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, con số này tăng 45,5% so với năm 2022.
Những con số mang màu sắc tươi sáng này không chỉ thể hiện sự phục hồi mà trong đó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng hơn với nền du lịch Thủ đô.
Có thể kể đến đó là số lượng và chất sản phẩm văn hóa bán ra tăng lên, thể hiện qua lượng vé cũng như mức giá được nâng cao. Độ tuổi của người quan tâm, sử dụng dịch vụ văn hóa, du lịch cũng được mở rộng, đặc biệt là tới khán giả trẻ chứ không chỉ giới hạn ở đặc thù người yêu lịch sử, văn hóa truyền thống.
Đưa lịch sử, văn hóa trở thành sản phẩm giá trị cao
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thông tin: “Hiện tại, nếu đánh giá lượt bán vé các tour này thì có thể nói là quá tải. Một số điểm du lịch đang hấp dẫn thì du khách có thể phải đợi thời gian tính bằng tháng để có được một tấm vé”.
So sánh với thời điểm trước đây, ông Hiếu cho biết, sau nhiều năm giữ cách thể hiện cũ, nhiều hoạt động văn hóa, di tích lịch sử, đặc biệt là các điểm liên quan đến di tích cách mạng có thể nói là…rơi vào trạng thái “ngủ quên” khi thu hút được vô cùng ít ỏi người quan tâm, đặc biệt là với giới trẻ.
Loại hình du lịch văn hóa, di tích lịch sử vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng, chưa thu hút được khách du lịch. Phần lớn các điểm văn hóa, di tích lịch sử mới đang ở dạng đầu tư ban đầu hoặc dạng tiềm năng, nên dịch vụ du lịch, các điểm vui chơi, giải trí còn ít.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ với Báo Nhân Dân về tổng quan hoạt động du lịch tại thành phố Hà Nội thời gian qua. |
Tuy nhiên, câu chuyện này cũng đã thay đổi ở thời điểm hiện tại. Với cách tiếp cận và thể hiện mới thì khách hàng thực sự háo hức khi cầm một tấm vé để tham quan và khám phá những địa điểm này. Điều này thể hiện sự thành công bước đầu cho các đơn vị. Để từ đây, các cơ sở này sẽ tiếp tục gia tăng tính trải nghiệm để duy trì sự quan tâm từ cộng đồng.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những di sản về làng nghề, với quy mô lớn và phong phú, chủ yếu ở khu vực ngoại thành, mang tính đổi mới. Thành phố Hà Nội cũng sẽ hướng đến tạo thành tuyến du lịch dọc từ trung tâm đến các huyện ngoại thành, trở thành dòng sản phẩm liền mạch.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị đánh giá cao sự ra đời của những sản phẩm đặc sắc; với mức giá tuy nâng lên nhưng hợp lý, để du khách chi trả mà cảm thấy xứng đáng. Từ đó giúp gia tăng chi tiêu khi du khách đến với thủ đô.
Lựa chọn cách tiếp cận phù hợp sẽ giúp du lịch Hà Nội khai thác được rất nhiều tiềm năng vốn có của mình. |
Ngành du lịch Thủ đô cũng sẽ tiếp tục định hình tư duy hướng đến coi các giá trị lịch sử, văn hóa như những sản phẩm giá trị cao làm sao “đóng gói”, thể hiện được bản sắc, câu chuyện riêng để đưa sản phẩm, bán được ra thị trường với giá xứng đáng.
Về hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, cách mạng 4.0, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chia sẻ: “Đánh giá cao các điểm đến chủ động trong việc tổ chức bộ máy làm truyền thông, nội dung truyền thông được đổi mới tạo sự hấp dẫn. Thường xuyên ứng dụng các kênh truyền thông, live-stream để lan tỏa tới du khách cả trong nước và quốc tế truy cập và tiếp cận”.
Gìn giữ bản sắc nhưng sẽ làm mới để phù hợp với thị trường
Để các điểm văn hóa, di tích lịch sử nói riêng và các điểm du lịch nói chung tạo được sức hút mới, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, định hướng các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tổ chức các hoạt động, sự kiện và xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của du khách để sẵn sàng phục vụ.
“Đêm Di sản” tại Ô Quan Chưởng (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) được thể hiện qua hình thức 3D Mapping. |
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch và triển khai ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương.
Song song với đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo, định hướng các UBND quận, huyện, thị xã, hướng dẫn các Ban quản lý các điểm du lịch nâng cao chất lượng điểm đến gắn với di sản - di tích, làng nghề; Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch; Nâng cấp, bổ sung hoàn thiện các dịch vụ tại các điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề cũng được chú trọng.
Các cấp quản lý cùng địa phương cũng sẽ hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch, chuẩn hóa các bài thuyết minh phù hợp với các điểm tham quan; quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, các điểm đến gắn với di sản - di tích, làng nghề trên các phương tiện truyền thông; số hóa các điểm đến gắn với di sản - di tích, làng nghề trong hệ thống giới thiệu chung bằng giao diện ảnh 360, 3D, FLYCAM.
Ngay trong lần đầu tiên mở cửa, tháp nước Hàng Đậu (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) đã thu hút du khách đến xếp hàng chờ tham quan. |
Cùng với đó, Sở Du lịch chú trọng đến các điểm du lịch văn hóa, di tích lịch sử cần xây dựng được sản phẩm du lịch khác biệt và coi phát triển du lịch là cơ sở để bảo tồn, phát huy được lợi thế giá trị di sản cùng gắn kết với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng để cùng phát triển.
Đặc biệt, để các hoạt động được tổ chức một cách chuyên nghiệp nhất, thành phố cũng đã mời chuyên gia khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, vật chất - kỹ thuật du lịch và khả năng khai thác các giá trị di sản - di tích, làng nghề phục vụ cho việc hình thành ý tưởng để xây dựng các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của từng địa phương. Đồng thời, tạo sự kết nối để tạo thành các tuyến du lịch liên vùng.
Một vấn đề rất được quan tâm, đó là các cơ sở sẽ được tạo điều kiện để có cơ chế về quản lý, nhân sự… phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, trong quá trình hoạt động, với các khu điểm du lịch là đơn vị sự nghiệp của thành phố, sẽ có thay đổi trong tổ chức bộ máy, như chuyển sang cơ chế tự chủ về kinh phí. Để các đơn vị chủ động trong hoạt động nghiệp vụ của mình.