Ngày 2/12/1960, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam, chỉ hai năm sau khi Cách mạng Cuba thành công. Với nhân dân Việt Nam, sự đoàn kết và ủng hộ vô điều kiện của nhân dân Cuba trong thời chiến cũng như giai đoạn hòa bình sau này luôn là nghĩa tình rất đáng trân trọng.
Tại các diễn đàn và phong trào quốc tế, Cuba luôn dành sự giúp đỡ quý báu, hết lòng ủng hộ Việt Nam khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam ở thời điểm cam go nhất.
Ngày 16/9/1973, lãnh tụ Fidel Castro trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới thăm vùng giải phóng “đất lửa” Quảng Trị cùng câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” đã in sâu trong tiềm thức của bao thế hệ người dân Việt Nam.
Thời điểm ấy, Cuba dù cũng đang đối mặt vô vàn khó khăn, thiếu hụt trong nước nhưng vẫn hết mình hỗ trợ quốc gia anh em. Cuba đã cử hàng nghìn kỹ sư, công nhân, bác sĩ và chuyên gia sang Việt Nam; giúp đào tạo hàng nghìn sinh viên Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam nhiều trang thiết bị, vật tư máy móc, lương thực thực phẩm, viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam xây dựng năm công trình kinh tế-xã hội mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba, Khách sạn Thắng Lợi, quốc lộ 21, Trại bò Mộc Châu và Trại gà Lương Mỹ.
Thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Cuba vẫn duy trì được đà phát triển toàn diện ở nhiều lĩnh vực; trong đó, hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật thông qua cơ chế Ủy ban liên Chính phủ được triển khai đều đặn và đạt được những thành tựu quan trọng. Hợp tác thương mại được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều chương trình, dự án hợp tác và đầu tư. Những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 250-350 triệu USD/năm.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba và là nước ở khu vực châu Á-châu Ðại Dương đầu tư lớn nhất tại đảo quốc Caribe. Việt Nam tiếp nhận công nghệ sinh học, nhập khẩu vắc-xin và dược phẩm từ Cuba; trong khi nước bạn nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà-phê, sản phẩm dệt may, giày dép, hóa chất, máy tính và linh kiện điện tử…
Hai nước đang trong giai đoạn triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba, có hiệu lực đến năm 2025, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa song phương, trong đó có cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% các mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau.
Nhiều cam kết ưu đãi thương mại trong hiệp định giúp doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, du lịch; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD/năm trong tương lai gần… Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cuba ngày càng tăng, nhất là sau khi Chính phủ quốc gia Caribe đã có một số thay đổi về chính sách quản lý kinh tế và môi trường đầu tư.
Đặc biệt, hợp tác giữa hai Quốc hội luôn được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước quan tâm thúc đẩy, đã và đang góp phần quan trọng củng cố và phát triển tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước. Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Cuba thường xuyên duy trì trao đổi đoàn với nhiều hình thức chủ động, linh hoạt. Hai bên thống nhất tăng cường hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng sâu sắc, hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh quốc tế mới, thời đại số…
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường, Việt Nam và Cuba luôn đồng hành, sát cánh tại các tổ chức quốc tế, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển. Hai bên luôn thể hiện nhất quán và mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giữ vững lập trường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương quốc tế.
Hơn 60 năm đã qua, mối quan hệ bền chặt được đặt nền móng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro đã được nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước kế thừa và vun đắp. Tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế ấy là điểm tựa vững chắc để Việt Nam và Cuba luôn sát cánh bên nhau, tiếp tục kiên định sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội và công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia.