Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trước sự mất mát, thiệt hại tài sản do bão số 3, ngay sau khi cơn bão đi qua, Công đoàn Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi các gia đình công nhân, lao động của các đơn vị tại Quảng Ninh có người thân bị thiệt mạng, các gia đình bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản do bão, động viên họ khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân cho biết: “Đối với các gia đình công nhân, lao động nhà ở bị hư hỏng nặng do bão, không có khả năng sửa chữa, gia đình đặc biệt khó khăn sẽ giao cho Công đoàn các đơn vị tổng hợp, khảo sát để đề nghị xây, sửa nhà từ Quỹ “Mái ấm Công đoàn” cũng như hỗ trợ từ các nguồn quỹ của đơn vị hỗ trợ công nhân, người lao động sớm ổn định chỗ ở, yên tâm làm việc”.
Ngôi nhà 3 gian của công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông bị tốc hết mái do bão số 3. |
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh than Cẩm Phả, Nguyễn Anh Toán cho biết: “Công ty đã chỉ đạo Công đoàn phối hợp với chuyên môn chăm lo cho người lao động, cấp gạo và thực phẩm thiết yếu cho toàn bộ hơn 400 công nhân, lao động; các trường hợp bị thiệt hại do bão đến thăm hỏi, hỗ trợ và giúp đỡ sửa chữa, khắc phục”.
Trước mắt, Công đoàn TKV sẽ thăm hỏi động viên mỗi công nhân, lao động bị thương 5 triệu đồng/người; hỗ trợ gia đình bị thiệt hại về nhà ở 2 triệu đồng/gia đình, đồng thời, giao cho các Ban chuyên đề Công đoàn TKV và các đơn vị khẩn trương tổng hợp số gia đình bị thiệt hại sau bão để tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người lao động kịp thời.
Lãnh đạo Công đoàn TKV thăm hỏi, động viên gia đình công nhân Trung tâm Cấp cứu mỏ bị thiệt hại do bão số 3. |
Khu chung cư công nhân Cẩm Đông của Công ty Than Hạ Long - TKV tại thành phố Cẩm Phả trong những ngày bão đổ bộ vào địa bàn, công nhân, người lao động không đi làm được, Công ty đã bố trí ăn nghỉ chu đáo cho các công nhân ở chung cư và một số công nhân của các đơn vị bạn trên địa bàn thành phố vào ở nhờ do không có điện, nước và mạng viễn thông. Tại khu chung cư, Công ty bố trí chạy máy phát điện để phục vụ nhu cầu của khoảng hơn 500 thợ lò đang sinh sống và công nhân ở bên ngoài; Công ty cũng mua thêm 300m3 nước sạch đưa vào bể để phục vụ sinh hoạt cho anh em thợ lò trong những ngày bão.
Trong căn phòng khang trang của chung cư, thợ lò Giàng Vần Vư, người dân tộc H'Mông ở Hà Giang tâm sự với chúng tôi, mỗi tháng làm từ 22 đến 23 công thì thu nhập được hơn 23 triệu đồng. Số tiền này đa phần được gửi về quê cho vợ và 3 con. “Khi có bão số 3 đổ bộ vào địa bàn, mất điện không đi làm được, Công ty bố trí cho chúng tôi ở chung cư được ăn uống, nghỉ ngơi rất chu đáo. Dù không về được nhà nhưng vẫn gọi điện về thăm hỏi vợ, con, nhắn nhủ gia đình cứ yên tâm, hết bão sẽ lại đi làm và cũng không quên dặn mọi người trong gia đình phải cẩn trọng với thời tiết mưa, lũ sau bão dễ xảy ra sạt lở, lũ quét để tránh những thiệt hại về người và tài sản”.
Khu chung cư dành cho thợ lò ở phường Cẩm Đông của Công ty Than Hạ Long - TKV. |
Công nhân Nguyễn Văn Anh, quê Quảng Bình cùng vợ ở trong Khu chung cư Cẩm Đông chia sẻ là đang mong có điện lưới để trở lại làm việc. |
Nhanh chóng ổn định sản xuất
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Hạ Long Đỗ Văn Hùng cho biết, dù chưa có điện lưới để sản xuất nhưng Công ty vẫn chạy máy phát hằng ngày để bơm nước, thông gió hầm lò. Mỗi ngày, riêng chi phí tiền dầu cho chạy máy phát khoảng 800 triệu đồng. Quan điểm của lãnh đạo Công ty là 800 triệu đồng cũng chấp nhận vì nếu không bơm nước liên tục trong mỏ thì sẽ dẫn tới khả năng ngập mỏ, khi ấy còn thiệt hại hơn rất nhiều”.
Hệ thống trạm điện, hầm bơm các mỏ hầm lò được duy trì bảo đảm bơm thoát nước, thông gió. |
Công ty Than Hạ Long hiện có 2.100 thợ lò trong tổng số 3.700 người lao động, Công ty bố trí khoảng 270 công nhân, lao động làm nhiệm vụ cơ điện, trực máy bơm, thông gió, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng sản xuất ngay khi có điện lưới trở lại; ngoài số người lao động ở tập trung tại Chung cư Cẩm Đông và Hà Ráng, trước bão Công ty cũng đã rà soát kỹ tình hình các gia đình người lao động còn lại, bố trí ăn nghỉ tại chung cư nếu có nhu cầu và đã động viên thăm hỏi kịp thời các gia đình bị thiệt hại, gặp khó khăn do bão.
TKV kiểm tra phòng chống bão số 3 tại các đơn vị khai thác than
Tại vùng Cẩm Phả, Công ty Than Quang Hanh là đơn vị có điện lưới sớm từ 20 giờ ngày 8/9 và đã bố trí bơm nước, thông gió, ổn định sản xuất trở lại ở một số đơn vị; Công ty cũng hỗ trợ điện cho Than Dương Huy (khi chưa có điện lưới) để tăng cường bơm nước mỏ hầm lò.
Theo báo cáo, Công ty cổ phần Than Đèo Nai-Cọc Sáu - TKV do ảnh hưởng của gió bão nên mái tôn của toàn bộ khu vực văn phòng của khoảng 30 công trường, phân xưởng trên khai trường bị bay hết cùng với đổ tường, sập trần, nhiều thiết bị máy xúc, máy khoan, ô-tô vận tải bị vỡ kính khoang lái. Ngoài ra, lượng cây xanh gẫy đổ khá lớn, khoảng hơn 500ha, bao gồm cây trồng ở mặt bằng công nghiệp, tại các bãi thải đã hoàn nguyên và các tuyến đường mỏ.
Trưởng phòng KCM Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Công ty đã tích cực khắc phục, ca 1 ngày 8/9, đường lên khai trường đã được thông. Đồng thời, khẩn trương sửa chữa nhà làm việc, khôi phục điện, nước, thông tin liên lạc. Đến ngày 9/9, nhiều đơn vị đã trở lại sản xuất bình thường và phấn đấu ổn định sản xuất nhanh nhất khi điện lưới được cấp trở lại.
Các công ty khai thác lộ thiên duy trì bơm thoát nước moong, phục vụ sản xuất sau bão. |
Với những nỗ lực, quyết tâm cao của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, sự nỗ lực của các đơn vị và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 đã là nguồn động lực to lớn để những người thợ mỏ Quảng Ninh đoàn kết, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, càng trong gian khó càng tỏa sáng.