Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Tháp Mười đang từng bước được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, không vì thế mà địa phương này lơ là trước tình hình dịch diễn biến phức tạp. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Tháp Mười đang thực hiện nhiều biện pháp để người dân có thể thuận tiện nhất trong thu hoạch lúa nhưng phải đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Những ngày giữa tháng 9 này, chúng tôi có mặt trên cánh đồng lúa đang thu hoạch ở ấp 1, xã Tân Kiều. Do Tháp Mười đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt nên không khí thu hoạch lúa ở Tháp Mười cũng rất khác so với mọi năm.
Trên các con đường làng, các cánh đồng không có không khí nhộn nhịp đặc trưng khi thu hoạch lúa, bà con hàng xóm không tập trung xem máy cắt, hỏi thăm năng suất, giá lúa, chỉ có máy cắt và công đoàn bốc vác làm việc.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Anh Quốc, ngụ ấp 1, xã Tân Kiều, chủ ruộng cho biết: Những ngày trước khi thu hoạch, anh và người dân nơi đây rất lo lắng vì không kêu được máy gặt đập liên hợp để thu hoạch.
Nguyên do là mấy năm trước đây, thuê máy cắt ở ngoài tỉnh vào thu hoạch lúa, nhưng năm nay sợ sẽ gặp khó khăn khi đến địa phương; ngoài ra, người dân cũng không được lưu thông khi thật sự không cần thiết.
Tuy nhiên, thấu hiểu được nỗi lo của bà con nông dân, lãnh đạo địa phương đã có những phương án tối ưu giúp các chủ ruộng thuận lợi trong thu hoạch lúa.
“Nhờ có công đoàn do xã thành lập, chịu trách nhiệm từ khâu máy cắt đến bốc vác, vận chuyển nên bà con ở đây cũng an tâm, mặc dù giá lúa hơi thấp hơn các năm trước nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì cũng tương đối ổn. Tôi rất mừng khi việc thu hoạch lúa được tạo điều kiện thuận lợi mà cũng an toàn phòng chống được dịch Covid-19”, anh Hoàng Anh Quốc phấn khởi cho biết.
Để hạn chế tình trạng thiếu máy cắt và nhân công vào thời điểm thu hoạch rộ, các địa phương trong huyện đã thống kê nhu cầu máy cắt và nhân công. Song song đó, các địa phương cũng đã thành lập các tổ công đoàn, bao gồm máy gặt đập liên hợp và người dân tại địa phương để đảm nhận việc thu hoạch lúa cho nông dân.
Thành viên các tổ công đoàn được tiêm ngừa vaccine, xét nghiệm tầm soát virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR định kỳ ba ngày/lần và được xã quản lý chặt chẽ lịch trình di chuyển.
Ông Lê Văn Lập, phụ trách tổ công đoàn xã Mỹ Hòa cho biết: “Công đoàn thu hoạch lúa cho người dân trong xã và các xã lân cận, trước khi di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác, tôi đều thông qua sự quản lý của địa phương đi và địa phương đến, trong thời gian hoạt động, tổ cũng chú ý các hoạt các khuyến cáo 5K về phòng, chống dịch bệnh”.
Theo thống kê, hiện huyện Tháp Mười có 389 máy gặt đập liên hợp, 1.597 nhân công theo máy và 940 thành viên các tổ hỗ trợ thu hoạch nông sản, cơ bản đáp ứng nhu cầu khi thu hoạch rộ.
Ngoài ra, có khoảng 183 doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa cũng được huyện quản lý danh sách, các đơn vị này phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 mới được lưu thông và thu mua.
“Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua, lực lượng thương lái để tiếp cận với người nông dân để mua lượng lúa hàng hóa trên địa bàn huyện. Huyện cũng hỗ trợ bằng hình thức tiêm vaccine cũng như test nhanh để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh thì lực lượng này mới được xuống địa bàn để tiếp cận với nông dân để thu mua, vận chuyển. Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Lê Văn Ngọt cho biết.
Tính đến nay, huyện Tháp Mười có 217 ca nhiễm Covid-19, là một trong những địa phương có số ca nhiễm thấp của Đồng Tháp. Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ các các tổ công đoàn và công ty, doanh nghiệp, thương lái khi đến địa phương. Song song đó huyện cũng yêu cầu các xã phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo thu hoạch lúa cho bà con nông dân.