Tháp Mười phát huy hiệu quả giá trị sản phẩm chủ lực

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp từ lâu nổi tiếng với ngành hàng sen, lúa gạo. Chính vì điều này mà nhiều năm qua, huyện tận dụng thế mạnh, phát huy được giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Gian hàng của huyện Tháp Mười thu hút khách khi có nhiều sản phẩm OCOP bắt mắt. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Gian hàng của huyện Tháp Mười thu hút khách khi có nhiều sản phẩm OCOP bắt mắt. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Từ đây, “lúa gạo, sen” ở xứ sở này, qua bàn tay chuyên cần của các hộ dân, doanh nghiệp… đã trở thành những sản phẩm OCOP chất lượng với bao bì bắt mắt, thu hút đông đảo khách hàng quan tâm, phục vụ cả thị trường trong nước và quốc tế.

Chất lượng, bắt mắt

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP) với mục tiêu chính giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trọng tâm của chương trình là phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể là các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã…

Tại những “Tuần hàng Việt Nam” ở nước ngoài, những buổi trưng bày sản phẩm OCOP dịp lễ hội luôn có sự góp mặt của các sản phẩm OCOP huyện Tháp Mười, nổi bật nhất vẫn là sen.

Để có được những sản phẩm “trình làng” ở các sự kiện quan trọng và đặc biệt là đến tay khách hàng trong và ngoài nước, các hộ sản xuất, doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng để phát triển đa dạng những sản phẩm từ sen.

Nhà máy của Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt được đặt tại khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. Trước thị hiếu của người tiêu dùng, Sen Đại Việt không ngừng đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm cao cấp.

Chọn cây sen để đồng hành và phát triển, hơn 7 năm qua, Sen Đại Việt chú trọng hoàn thiện hệ thống sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, nghiên cứu sản phẩm và phát triển thị trường để xây dựng thương hiệu được tin dùng và yêu mến ở trong nước, nước ngoài.

Mới đây, tham gia sự kiện “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023”, Sen Đại Việt mang đến những dòng sản phẩm chiến lược: Sen sấy, trái cây, rau củ sấy, trà sen ướp trên cánh đồng, các sản phẩm đóng lon và chua ngọt.

Trong đó, sản phẩm Tinh hoa trà, trà sen cao cấp được ướp trên cánh đồng sen vùng đất sen hồng đã được đông đảo khách hàng quan tâm và ấn tượng bởi bao bì bắt mắt, sản phẩm vừa độc đáo, vừa sáng tạo và đậm nét truyền thống văn hóa trà Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thông qua sự kiện này, Sen Đại Việt đã kết nối giao thương với các hệ thống phân phối bán lẻ tại Thái Lan cũng như gặp gỡ trực tiếp các đối tác từ Thái Lan và cả những khách hàng quan tâm đến từ trong nước cùng tham gia sự kiện đã tiếp bước cho những sản phẩm nông sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm từ sen vươn ra thế giới.

Với huyện Tháp Mười, qua 5 năm thực hiện chương trình OCOP đã có không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, chương trình đã đạt được nhiều kết quả.

Đến nay, tổng số sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên trên địa bàn huyện là 35 sản phẩm (gồm 28 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao); còn 5 sản phẩm đang đề nghị tỉnh đánh giá, phân hạng 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm tham gia lại).

Dự kiến đến cuối năm 2023 tổng sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên trên địa bàn huyện là 39 sản phẩm của 14 chủ thể (có 6 chủ thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp).

Tháp Mười phát huy hiệu quả giá trị sản phẩm chủ lực ảnh 1
Sản phẩm OCOP huyện Tháp Mười. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Ở huyện Tháp Mười, phát triển sản phẩm OCOP đã thực sự tác động lớn đến tư duy sản xuất của người dân, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.

Một số người dân, chủ thể ban đầu còn tỏ ra nghi ngại, chưa nhận thức được hiệu quả khi tham gia chương trình (là nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường) nên chưa nhiệt tình và mạnh dạn nộp hồ sơ tham gia, đã dần thay đổi nhận thức và mạnh dạn, tự giác tham gia chương trình.

“Chương trình đã phát huy được giá trị và thế mạnh các sản phẩm chủ lực của huyện, nâng cao chất lượng sản phẩm với hàm lượng chế biến cao, dịch vụ của ngành, nghề và mang giá trị truyền thống, bản sắc của địa phương, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Chương trình cũng đã góp phần tạo ra chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, bền vững, hướng đến các thị trường trong và ngoài nước” Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười Bùi Văn Sơn cho biết.

Với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương cùng với những chính sách hỗ được huyện tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5 chủ thể được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất theo chương trình khuyến công với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Các chủ thể được hỗ trợ tư vấn, thiết kế bao bì nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, kinh phí khen thưởng, tem OCOP, ưu đãi về đất đai xây dựng cơ sở, thuế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, được Ủy ban nhân dân các xã và ngành chuyên môn hỗ trợ hoàn thiện tham gia chương trình…

Đồng thời, các chủ thể cũng được quan tâm mời gọi, hỗ trợ gian hàng trưng bày, kết nối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo các chương trình xúc tiến thương mại, các dịp lễ hội, các phiên chợ quê được tỉnh, huyện tổ chức hằng năm.

Triển khai đồng bộ

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện Tháp Mười cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể có tiềm năng, tuy có thực hiện nhưng chưa tập trung thực hiện quyết liệt, nên một số xã chưa có chủ thể chương trình.

Một số chủ thể vẫn chưa nhận thức được hiệu quả khi tham gia chương trình (là nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường), nên chưa nhiệt tình và mạnh dạn nộp hồ sơ tham gia, chưa phối hợp tốt với ngành chuyên môn, nên khó khăn cho công tác hỗ trợ của ngành.

Nguyên nhân do các chủ thể còn tâm lý ngán ngại, trông chờ ỷ lại khi thực hiện; thủ tục tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP nhiều và chịu sự điều chỉnh của nhiều cơ quan quản lý, nên khi thực hiện hồ sơ minh chứng rất tốn thời gian…

Đa số các chủ thể đều gặp khó khăn về vốn và nguồn lực đầu tư nên ảnh hưởng đến công tác xúc tiến, thương mại mở rộng thị trường. Nhân lực thực hiện Chương trình OCOP ở cấp xã, cấp huyện phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và vẫn còn thiếu so với yêu cầu.

Nói về mục tiêu phát triển Chương trình OCOP của huyện Tháp Mười thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười Đoàn Thanh Bình cho biết, đến năm 2025, huyện quyết tâm phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ, thúc đẩy việc phát triển sản phẩm đặc thù sẵn có tại địa phương gắn với bảo vệ môi trường.

Tháp Mười phát huy hiệu quả giá trị sản phẩm chủ lực ảnh 2
Phân loại hạt sen tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Trong đó, huyện chú ý hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì mẫu mã sản phẩm; nâng cao năng lực và tái cơ cấu về tổ chức, nhà xưởng, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình.

Huyện duy trì, củng cố các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, địa phương có 1 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia.

Huyện Tháp Mười ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 20% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Ngoài ra, huyện còn phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…) và có 100% sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.