1/Từng làm nông nghiệp theo tiêu chí sản xuất nông sản sạch, anh Trần Phước Đạt, trú Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng nhận thấy rất khó để có thể đi lâu dài trong lĩnh vực này. Mỗi tháng, chi phí nhân công, nguồn nước tưới chiếm một khoản tiền không nhỏ. Từ đó, giá thành rau củ khi bán ra thị trường luôn cao hơn rau thông thường. “Tôi làm rau chung với một người bạn được vài tháng thì đã phải dừng lại. Nhìn thấy những sản phẩm nông sản vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao cấp tỉnh, tôi rất nể sự bền bỉ của người nông dân”, anh Đạt nói.
Mặc dù không còn sản xuất nông nghiệp nhưng anh Đạt đang vận hành một cửa hàng phân phối các sản phẩm OCOP. Những năm gần đây, bà con nông dân chỉ sản xuất rau củ quả tập trung khi được bao tiêu đầu ra. Các sản phẩm còn lại thường sản xuất theo điểm mạnh, kinh nghiệm trồng trọt của từng hộ nông dân. Tuy nhiên, điểm mạnh này đã bộc lộ yếu điểm khi nhà nông tham gia vào quá trình cung cấp hàng cho đơn vị phân phối. Không có tiếng nói chung với đơn vị phân phối trong việc quy hoạch vùng sản xuất và cam kết đồng hành lâu dài, nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn đã phải tự bán ra thị trường.
Tình trạng nhà nông bị động chạy theo thị trường, thay đổi phương pháp canh tác trong thời gian rất ngắn thường xuyên xảy ra. Từ đó, kết quả cây trồng không thật sự đem về hiệu quả kinh tế. Nguồn nước, đất đai bị ảnh hưởng rất lớn, gây khó khăn cho những mùa vụ tiếp theo. “Sản xuất nông nghiệp hướng đến OCOP thì đầu tiên phải tính đến việc tồn tại. Các loại cây trồng cần một thời gian nhất định để lấy đủ chất dinh dưỡng từ môi trường. Như vậy mới thấy người trồng rau củ quả rất vất vả để cây trồng sống, phát triển đạt chuẩn”, anh Đạt nhìn nhận.
Thường xuyên lấy nguồn hàng nông sản ở tỉnh Quảng Nam, tiêu chí khi quyết định nhập hàng của anh Đạt là sản phẩm phải an toàn, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Các thông tin liên quan đến quá trình sản xuất nông sản được lưu trữ lâu dài, dễ truy xuất. Mặt khác, người nông dân cần được đào tạo kiến thức canh tác, trồng trọt cơ bản. Những tiêu chuẩn OCOP đề ra chính là hành lang pháp lý để nhà nông áp dụng vào khâu sản xuất hiệu quả nhất. Hiện nay, tại xã Cẩm Hà, TP Hội An (Quảng Nam) có sản phẩm quật đất của chị Nguyễn Thị Phúc đang hợp tác với anh Đạt để đến tay người tiêu dùng. Vốn là cây trồng bản địa của địa phương, hỗ trợ tốt cho sức khởe con người, cơ hội phát triển lâu dài của quật đất là điều hoàn toàn khả thi.
2/Để sản phẩm nông sản đi được lâu dài, chị Đỗ Dương Đông Phương (trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, mục tiêu tiên quyết là phải giải quyết được vấn đề nhu cầu thị trường đang thiếu, chưa có. Hành trình bén rễ của cây măng tây ở mảnh đất Gò Nổi vốn thường xuyên bị thiên tai, ngập lụt đã được công nhận khi sản phẩm nước măng tây Gò Nổi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ý tưởng sáng tạo cùng lòng quyết tâm đang giúp chị Phương đến gần hơn mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu măng tây lâu dài, ổn định.
Nhận thấy lợi thế của đất pha cát ở xã Điện Quang, TX Điện Bàn, Quảng Nam dễ thông thoáng, chị Phương trồng thí điểm thành công cây măng tây trên diện tích 0,5 ha. Bước sang giai đoạn sản xuất và tiêu thụ nước măng tây, chị Phương cho biết: “Làm ra sản phẩm mà khi ra thị trường chưa tiêu thụ được sẽ kéo theo bà con đều bị động. Hàng nông sản thì khi thị trường cần, họ mới mua của mình. Cho nên hiện tại tôi chỉ mới thu mua nguyên liệu măng ở một số điểm trồng tại Quảng Nam”.
Trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, chiến lược phát triển OCOP của chị Phương là dùng sản phẩm phụ dẫn đến sản phẩm chính nhằm xây dựng thương hiệu, đồng thời dễ dàng xoay vòng tiền vốn. Trà từ măng tây được xác định làm đường dẫn đến nước lon măng tây. Chị Phương chia sẻ: “Có nhiều người khi biết đến nước lon làm từ cây măng tây, họ rất bất ngờ vì chưa có ai làm măng tây thành nước. Ngoài ra, tất cả chúng ta đều có nhu cầu cần một loại nước uống bổ sung dinh dưỡng cho sức khoẻ. Dù là vậy, tôi luôn hiểu để nước măng tây phát triển cần đi một lộ trình rất dài. Trong đó, chủ động tìm nguồn nguyên liệu sản xuất và kết hợp với nhà nông là mục tiêu quan trọng nhất”.
Những mặt hàng OCOP tiêu dùng các địa phương đang đi theo hướng sản xuất thủ công hoặc bán tự động. Cốt lõi của sản phẩm OCOP nằm ở chi phí đầu tư sản xuất cao (chủ yếu ở quy trình sản xuất bán tự động), do đó giá thành sản phẩm khi ra đến thị trường sẽ cao. Sự cạnh tranh về giá chính là rào cản lớn khiến nhà nông có tâm lý dè chừng, e ngại khi muốn mở rộng quy mô sản xuất. Một chai nước mắm truyền thống, những bó rau theo đúng chuẩn OCOP là những “đứa con khỏe mạnh” mà người nông dân luôn hướng đến. Hoài bão vươn lên, ổn định sinh kế của nhà nông bằng sản phẩm OCOP luôn có những khó khăn, trở ngại nhất định. Tất cả sản phẩm từ vùng cao, đồng bằng cho đến miền biển khi tham gia vào vòng tròn OCOP đều cần đi đến giá trị bền vững, lâu dài.