Thắp lên niềm hy vọng từ việc "Cho đi là còn mãi"

NDO - 28 tuổi, cô gái vừa lập gia đình phải làm một điều vô cùng khó khăn khi quyết định hiến tạng người mẹ thân yêu nhất đời của mình. Còn ông Đào Đức Thắng đôi khi chạnh lòng mỗi khi đứa cháu nội mới 4 tuổi hỏi “Ông ơi, bố cháu đâu?”. Xót xa vượt qua khoảng thời gian đau đớn khi mất đi người thân nhưng họ có niềm tin, người thân yêu ấy chưa thật sự đi xa trên cõi đời này khi những phần cơ thể vẫn đang giúp hồi sinh nhiều số phận không may khác. 
0:00 / 0:00
0:00
Tăng Minh Hiền vững vàng kể từ khi mẹ không may qua đời, hiến tạng cứu sống nhiều người khác.
Tăng Minh Hiền vững vàng kể từ khi mẹ không may qua đời, hiến tạng cứu sống nhiều người khác.

Ở một tỉnh miền núi phía bắc, một bác sĩ là chuyên gia chạy thận nhân tạo cho người dân vùng cao vừa được hồi sinh sau khi nhận thận hiến từ người chết não….

28 tuổi thuyết phục cả gia đình đồng ý hiến tạng của mẹ

Tăng Minh Hiền (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) không bao giờ nghĩ mình mất đi cả 2 người thân yêu nhất đời chỉ trong 4 năm. Ngày bố mất vì ung thư năm 2018, mẹ vẫn tâm sự với Hiền về tâm nguyện muốn hiến mô, tạng của mình sau khi qua đời, để có thêm nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo có thêm cơ hội sống. Cô và mẹ vẫn thi thoảng nói lại chuyện đó khi chứng kiến những biến cố xảy ra với nhiều người thân quen chung quanh.

Ngày 16/9, Hiền bàng hoàng khi nhận được tin mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng Hải đang được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu. Tình trạng của bà rất nặng vì không đủ máu lên não. Bác sĩ dặn gia đình chuẩn bị tình huống xấu nhất.

Khi sự việc xảy ra, Hiền không bao giờ nghĩ tới tình huống xấu như thế này. “Cả hai chị em vẫn hy vọng còn chút nào đó mẹ em sẽ có cơ hội hồi sinh nhưng kết quả không như mong đợi”.

Vừa kết hôn chưa bao lâu, cô em gái mới 18 tuổi đang trong những ngày chờ kết quả trúng tuyển đại học, Hiền giờ phải đứng vai trụ cột gồng gánh cả gia đình.

Thắp lên niềm hy vọng từ việc "Cho đi là còn mãi" ảnh 1
Hiền từng mong có phép màu đến với mẹ.

3 ngày ở viện, thời gian dài đằng đẵng. Hiền cầu mong có phép màu đến với mẹ. Nhưng cơ hội ngày càng lụi tàn như ngọn đèn leo lét trước gió. Hiền được bác sĩ gọi vào chuẩn bị đưa mẹ về lo hậu sự. Hiền như người mất hồn ngồi cạnh mẹ. Bấy giờ, chú ruột của Hiền nói: “Cháu có thể suy nghĩ có nên hiến tạng cho mẹ hay không?”.

Câu nói của chú như thức tỉnh Hiền. Em nhớ lại những ngày hai mẹ con thường hay tâm sự, mẹ Hải nói nhiều về câu chuyện hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Sau một thời gian cân nhắc, Hiền thuyết phục gia đình.

“Đó cũng là thời gian đấu tranh tâm lý vì gia đình can thiệp nhiều vì còn quan niệm xưa cũ. Em bảo với mọi người: Mẹ em cho đi, mẹ em vẫn còn sống. Tâm nguyện của mẹ khi sống là hiến tạng nên mọi người đồng ý để em làm những gì tốt đẹp nhất cho mẹ em”.

Sau 3 ngày xác định tâm lý, ngày 19/9, mẹ em đã được lấy tạng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, gửi về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương để ghép cho người bệnh mắc bệnh lý về tim, gan, thận, phổi, giác mạc. Mô và gân đang được bảo quản tại Ngân hàng mô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Nén những đau thương tận cùng, được ôm mẹ lần cuối, Hiền thủ thỉ: "Mẹ yên tâm, con sẽ thay bố mẹ chăm lo cho em. Con cảm ơn mẹ đã mạnh mẽ, con tự hào là con của mẹ Hải".

Với cô gái 28 tuổi này, mẹ vẫn còn tồn tại trên thế giới. Với cô, những gì cho đi không còn ở cơ thể mẹ nhưng một phần nào đó vẫn tiếp tục sống, cống hiến giúp được cho người khác. “Em nghĩ đấy là một quyết định đúng đắn. Em tự hào về mẹ”, Hiền nghẹn ngào nói.

“Việc hiến tạng là do con tôi mách bảo”

Một ngày cuối tháng 10/2022, ông Đào Đức Thắng (Hoàng Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh) nhận tin dữ - cậu con trai duy nhất của ông là Đào Đức Lợi bị tai nạn, nằm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, 90% không thể qua khỏi.

Bệnh viện trả về. Ông Thắng bần thần cả người đứng trước cơ thể con không còn mấy phần trăm sự sống. Bột phát suy nghĩ của ông hướng tới câu chuyện hiến tạng của con trai mình.

“Suy nghĩ ấy như Lợi xúi bảo. Tự nhiên tôi tỉnh táo, nói chuyện với người nhà: Lợi đã xảy ra sự việc không may, nếu mang đi chôn cất cũng thành đất, nếu đem đi thiêu cũng thành tro nên nếu hiến được mô tạng của Lợi cứu được người nào thì coi như làm phúc sau này”, ông Thắng kể.

Ông Thắng gọi điện sang Đức cho vợ xin ý kiến về việc hiến mô, tạng của Lợi. Mẹ Lợi gạt nước mắt đồng ý.

Gia đình đã gọi điện báo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh về việc hiến tặng mô tạng của con em mình. Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh báo lên Bệnh viện Việt Đức. Bà Phạm Thị Đào (Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) là người cùng đoàn bác sĩ xuống Bắc Ninh thuyết phục gia đình.

“Ban đầu gia đình có tâm nguyện muốn lấy tạng con tại Bắc Ninh nhưng không đủ điều kiện thực hiện hồi sức tại bệnh viện. Chúng tôi đã thuyết phục gia đình đưa Lợi về Bệnh viện Việt Đức, thực hiện hồi sức tích cực để tiến hành lấy mô, tạng để ghép”, bà Đào chia sẻ.

Thắp lên niềm hy vọng từ việc "Cho đi là còn mãi" ảnh 2
Ông Đào Đức Thắng chia sẻ việc hiến tạng của con trai sẽ giúp nhiều người được sống tiếp khỏe mạnh.

Đào Đức Lợi là con trai duy nhất trong gia đình. Hơn 1 năm trước, Lợi và vợ chia tay. Đứa cháu nội nhỏ bé mới 4 tuổi ở với mẹ. Ông bảo, thương nhất đứa cháu nhỏ mất bố. “Chiều tôi vẫn đón cháu về nhà rồi chờ mẹ đi làm về. Thi thoảng cháu có hỏi tôi: Ông ơi, bố con đâu?, lúc ấy tôi lại đau thắt ruột”.

Người đàn ông bản lĩnh cất tiếng khóc đùng đục nói: “Có người bảo tôi bán tạng con để lấy tiền. Tôi đau xót lắm. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ con mình vẫn sống, chỉ là ở đâu đó mình không gặp lại được”.

Năm 2021, chúng tôi đã triển khai được các ca ghép tạng từ 5 người cho chết não. Năm nay, con số người chết não hiến tạng tăng lên gấp đôi với 10 ca hiến. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng Hải và ông Đào Đức Lợi, người thân của hai ông bà đều có nguyện vọng hiến tạng, nên chúng tôi chỉ cần thắp lên ngọn lửa cho họ, không cần mất nhiều công sức vận động.

Bà Phạm Thị Đào, Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Viết nên dòng chảy văn hóa tận hiến của người dân Việt Nam

Đầu tháng 10, số phận của một bác sĩ, 33 tuổi, dân tộc Mông, ở Sa Pa, Lào Cai đã bước sang một trang mới khi anh được nhận thận hiến từ người cho chết não.

Trước đó 7 năm, anh về vùng đất Lào Cai, công tác tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), bám trụ mảnh đất quê hương để giúp đỡ bà con trong chăm sóc sức khỏe. Nhưng cuộc sống thật khắc nghiệt khi 2 năm sau, anh phát hiện mình mắc hội chứng thận hư kèm theo suy thận.

Bệnh viện chưa có đơn vị chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có nhu cầu chạy thận lên tới 20 người, trong đó bản thân cũng rất muốn tìm hiểu sâu về kỹ thuật lọc máu, chạy thận nhân tạo để có thể chăm sóc cho mình.

Sau những năm tháng học tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ vốn có chuyên môn về hồi sức cấp cứu đã học được các kỹ thuật chạy thận nhân tạo và mở ra cơ hội mới cho người dân tại vùng cao này. Cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa ra mắt khoa thận nhân tạo và giao cho bác sĩ Sang phụ trách.

“Cứ ngày 2-4-6 trong tuần, bác sĩ này trực tiếp điều trị, lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn. Ngày lẻ 3-5-7, bác sĩ lại về thành phố để được lọc máu cho chính mình”, một cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ.

Vị bác sĩ này là một bệnh nhân đặc biệt, vừa ở vai trò điều trị cho bệnh nhân, vừa điều trị cho chính mình. Vốn là một bác sĩ chuyên về chạy thận nhân tạo nên anh thường xuyên theo dõi các chỉ số của bản thân, giữ chỉ số trong giới hạn để đáp ứng ca phẫu thuật ghép tạng.

Thắp lên niềm hy vọng từ việc "Cho đi là còn mãi" ảnh 3

Ông Đào Đức Thắng xót xa khi hàng xóm đồn đoán ông bán tạng con.

Hơn 1 năm sau khi đăng ký vào danh sách chờ ghép thận của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, may mắn có một người chết não có chỉ số phù hợp với bác sĩ.

Bởi vậy, ngay sau khi nhận được tạng hiến vào tháng 10, bác sĩ này không khỏi ngỡ ngàng và hạnh phúc, vượt qua cả sự khó khăn về kinh phí ghép tạng với sự hỗ trợ của bệnh viện, anh đã khỏe mạnh trở lại.

Anh chỉ là một trong số những người nhận được tạng hiến từ người cho chết não năm 2020. Anh tâm sự giờ đây anh chỉ mong chóng trở lại công việc tại bệnh viện để giúp đỡ bà con đồng bào hiểu về căn bệnh này và lan tỏa những điều tốt đẹp về sự tận hiến cũng như sự kỳ diệu của y học Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, trong số hơn 100 ca chết não hiến tạng, riêng năm 2022, có khoảng 10 trường hợp chết não. Đây là con số còn khiêm tốn nhưng thể hiện sự thay đổi rõ rệt của nhiều người thân người bệnh chết não đồng ý hiến mô, tạng.

Nhu cầu được ghép tạng ngày càng tăng vì số người trẻ bị suy tạng đang gia tăng. Nhu cầu thực tiễn ngày càng lớn nhưng nguồn tạng hiến chưa thật sự nhiều. Tôi kỳ vọng với phong trào tạng hiến hiện nay, với sự mở lòng của xã hội, số ca được ghép tạng từ nguồn tạng hiến từ người cho chết não sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia

Đến nay, có hơn 62 nghìn người đăng ký hiến mô, tạng. Việc tăng số lượng đăng ký là minh chứng rõ nhất cho tinh thần nhân văn đó. Mỗi người đã viết nên dòng chảy văn hóa tận hiến của người dân Việt Nam.

Hiện Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đang xây dựng mạng lưới tuyên truyền vận động tại các trung tâm ghép tạng ở một số bệnh viện và một số địa bàn để nỗ lực tuyên truyền tới nhiều người dân hơn nữa để không chỉ có nguồn tạng hiến mà giúp cho nhiều người có tâm nguyện hiến tạng được thực hiện trọn tâm nguyện của họ.