Tháo gỡ vướng mắc về chế độ chính sách đối với giáo viên

Ngày 15/8, tại Hà Nội, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục". Tại đây, những vấn đề về tiền lương, phụ cấp, dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các nhà giáo đặc biệt quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Sự kiện thu hút đông đảo nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục tham gia. (Ảnh BỘ GIÁO DỤC và ÐÀO TẠO)
Sự kiện thu hút đông đảo nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục tham gia. (Ảnh BỘ GIÁO DỤC và ÐÀO TẠO)

Là giáo viên mầm non có nhiều năm gắn bó với nghề, cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Trường mầm non Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên) cho biết: Mặc dù chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn ở mức thấp, đối với giáo viên mới ra trường chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa tương xứng với thời gian và công việc của giáo viên, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Mặt khác, theo quy định, thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế thường làm việc ở trường từ 10 đến 11 giờ/ngày, cho nên không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Thậm chí có trường hợp do thiếu giáo viên, một cô giáo phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ.

Cùng quan điểm về những khó khăn nêu trên, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên, Trường mẫu giáo Họa Mi (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được giáo viên mầm non và giúp các cô yên tâm công tác.

Còn cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, Trường mầm non 1 (thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) cho biết: Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác hành chính trong các cơ sở giáo dục mức lương được hưởng còn thấp. Ngoài lương thì đối tượng này không được hưởng chế độ ưu đãi, chế độ thâm niên và cũng không có thu nhập khác, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Ðề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm hành chính trong các cơ sở giáo dục bảo đảm cuộc sống. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) cho biết: Mong mỏi lớn nhất của giáo viên là được tháo gỡ bất cập về chế độ chính sách như chính sách tiền lương, hưởng lương theo bằng cấp; có cơ chế để giáo viên có thể được làm thêm bằng chính nghề của mình.

Vấn đề thu nhập của nhân viên nhà trường cũng là nội dung được đặt ra. Cô giáo Trần Thị Phương Thảo, Trường trung học cơ sở Lê Anh Xuân (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nay, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong trường trung học cơ sở có 8 vị trí nhân viên, gồm: thư viện, thiết bị thí nghiệm, công nghệ thông tin, kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế và hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Tuy nhiên hiện nay, mức thu nhập của những nhân viên này còn quá thấp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Từ thực tế, cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường trung học cơ sở thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Nhân viên nhà trường chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc nếu có cũng rất thấp (thí dụ, đối với nhân viên thư viện được hưởng phụ cấp độc hại là 0.2 so với mức lương cơ bản), không được hưởng phụ cấp thâm niên. Do đó, nhiều cán bộ, nhân viên giảm tâm huyết gắn bó với nghề, tìm nguồn mưu sinh ở những lĩnh vực khác. Cũng chính vì vậy, việc tuyển viên chức ngành giáo dục hằng năm cho các vị trí thư viện, văn thư, thiết bị có rất ít hồ sơ đăng ký dự tuyển và hiện tại các vị trí này ở một số trường vẫn còn thiếu nhân viên chuyên trách.

Tại sự kiện, vấn đề dạy học tích hợp được đông đảo giáo viên cả nước quan tâm. Ðại diện cho các giáo viên tỉnh Khánh Hòa, cô giáo Hoàng Hải Vân, Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Qua hai năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở cho thấy, đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại; học sinh được phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp những khó khăn như việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập do giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thật sự hiệu quả. Vì vậy, cô cùng nhiều giáo viên khác mong Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp.

Thấu hiểu những băn khoăn, trăn trở của đội ngũ nhà giáo về vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" có nêu "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng". Mong muốn là vậy nhưng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm và cần thuyết phục các bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Trách nhiệm của chúng ta là thuyết phục và rất cần sự đóng góp của xã hội.

Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Ðào tạo làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành. Bước đầu, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học. Ðồng thời, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.

Trước kiến nghị của giáo viên về việc thực hiện giảng dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bất cập, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc triển khai tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, mục tiêu là phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Song khi triển khai thực tế, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Việc điều chỉnh không gây ra những xáo trộn mà để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.