Tỉnh Lào Cai có hai cửa khẩu quốc gia, một cửa khẩu phụ và nhiều lối mở biên mậu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đây là những “cửa ngõ” thông thương thuận lợi với thị trường tỉnh Vân Nam và các tỉnh vùng tây nam (Trung Quốc), có dân số đông, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản rất lớn.
Hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc chín mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản; trong đó có năm mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng xuất khẩu mặt hàng đó của cả nước, đó là: sắn và các sản phẩm từ sắn (87%), rau quả (65%), cao-su (50%), dăm gỗ (48%) và gạo (30%). Lượng hàng hóa xuất khẩu này chủ yếu được thông quan qua các cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai.
Trong tám tháng qua, tổng số lượng hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, qua các cửa khẩu ở Lào Cai là 274 nghìn tấn, đạt 61 triệu USD; bằng 57% so với cùng kỳ năm 2015. Các mặt hàng xuất khẩu là: gạo, sắn, dưa hấu, tôm thẻ tươi, cua biển, cá sấu nước ngọt và gỗ ván bóc, đồ gỗ mỹ nghệ…
Nguyên nhân sụt giảm là do hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên mặc dù các doanh nghiệp của tỉnh Lào Cai có mối quan hệ khách hàng, đủ khả năng và kinh nghiệm để xuất khẩu, song không đủ điều kiện để trực tiếp xuất khẩu mà phải ủy thác cho các doanh nghiệp có giấy phép từ nơi khác, do đó làm giảm khả năng linh hoạt, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp và làm phát sinh phí ủy thác xuất khẩu.
Mặt khác, đối với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản, tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện tối đa, như ưu tiên thông quan trước, kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan…; tuy nhiên, phía Trung Quốc áp dụng chế độ, quy trình kiểm dịch chặt chẽ, đã gây hạn chế trong thông quan những mặt hàng này. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc áp dụng chính sách thuế nhập khẩu nông, lâm, hải sản khá cao (13%), hạn ngạch nhập khẩu và các yêu cầu thông quan chặt chẽ… nên một số doanh nghiệp của hai nước đã phải “bỏ cuộc”.
Để phát huy vai trò cầu nối giữa thị trường Việt Nam, các nước Asean với thị trường vùng tân nam Trung Quốc, Bộ Công thương và tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; giảm tối đa các thủ tục không cần thiết để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
Trước mắt, báo cáo Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức áp dụng kéo dài thời gian làm việc tại Cửa khẩu đường bộ Kim Thành đến 22 giờ hằng ngày, bắt đầu từ ngày 1-1-2017. Giảm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan, từ 30-35% hiện nay xuống còn 15%, nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp hai bên.
Các cơ quan quản lý nhà nước hai bên tăng cường thông tin thường xuyên tới các thương nhân về chính sách điều hành hoạt động thương mại biên giới của phía Việt Nam và Trung Quốc, để các thương nhân chủ động trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai bên luân phiên phối hợp tổ chức Hội chợ thương mại biên giới Việt-Trung hằng năm, nâng cao chất lượng và hiệu quả hội chợ, đưa hội chợ trở thành hình mẫu trong giao lưu, hợp tác của các tỉnh biên giới Việt-Trung.