Tháo gỡ khó khăn, tạo đà tăng tốc

Kinh tế-xã hội bảy tháng đầu năm của Thành phố Hồ Chí Minh đang phục hồi tốt với nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Tuy nhiên, để tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, thành phố vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Các ngành hàng dịch vụ có sự tăng trưởng nhanh. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op mart.
Các ngành hàng dịch vụ có sự tăng trưởng nhanh. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op mart.

Trong đó, việc tụt hạng chỉ số cải cách hành chính; tình hình giải ngân vốn chậm so kế hoạch; môi trường đầu tư chưa hấp dẫn,…là những “rào cản” khiến nhiều ngành, lĩnh vực chưa đạt được tốc độ phát triển như kỳ vọng.

Nhiều lĩnh vực bứt tốc

Cũng gặp nhiều khó khăn như hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác trong hơn hai năm dịch diễn biến căng thẳng trên địa bàn thành phố, Tiến sĩ Đỗ Hữu Quyết, CEO Công ty cổ phần Maxdream (chuyên lĩnh vực công nghệ lọc nước) cho biết: Sau khi thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới, công ty đã chuyển mình, xoay trục kinh doanh sang nhóm đối tượng khách hàng mới. Đó là nhóm đối tượng quan tâm đến sức khỏe và chú trọng tìm kiếm những sản phẩm chất lượng, có cam kết về mặt hiệu quả nhiều hơn.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, công ty đã tiếp cận với lượng khách theo đúng kỳ vọng; đồng thời, tái cơ cấu quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để “tăng tốc” trong thời gian tới. Việc Maxdream trở lại “đường ray” như trước khi dịch xảy ra cũng đang là tín hiệu mừng đối với nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố.

Sau hơn nửa chặng đường của năm 2022 đi qua, hoạt động thương mại, dịch vụ đang trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại thành phố và nhiều hoạt động khuyến mại, kích cầu tiêu dùng tập trung được tổ chức rầm rộ, bài bản. Du lịch đang tận dụng cơ hội để phục hồi sau đại dịch. Khách du lịch nội địa đến thành phố ước đạt 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so cùng kỳ và khách quốc tế đến thành phố ước đạt 765.585 lượt giúp doanh thu từ ngành công nghiệp “không khói” đạt những con số ấn tượng.

Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết: Sự hồi phục mạnh mẽ còn được thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố: tháng 7 ước đạt khoảng 100.320 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng đến 139,8% so cùng kỳ năm 2021. Tính chung bảy tháng đầu năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn liên tục hồi phục một cách ổn định, ước đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm trước.

Với đà phục hồi này, kinh tế-xã hội của thành phố đang tạo tâm lý, sự tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Sau hơn bảy tháng, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bảy tháng đầu năm tăng 7,7% so cùng kỳ. Trong đó, bốn ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu ước tăng 12,2% so cùng kỳ. Điều này cho thấy, các chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố đã mang lại những hiệu quả lớn. Nhiều chỉ số về sản xuất công nghiệp, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ đang dần tiệm cận thời điểm trước dịch Covid-19.

Gỡ vướng để vào lại quỹ đạo

Tín hiệu từ phục hồi kinh tế-xã hội bảy tháng qua cho thấy, chủ đề thành phố xác định cho năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” là phù hợp điều kiện thực tế của thành phố. Để hoàn thành chủ đề này, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều vấn đề các sở, ngành cần tập trung giải quyết.

Đó là, bên cạnh các yếu tố tác động khách quan từ nền kinh tế thế giới, nhiều vấn đề nội tại khác cần được các đơn vị, địa phương quan tâm, sâu sát hơn. Đơn cử, vấn đề năng lực tiếp nhận, phối hợp, xử lý các vấn đề công việc của các đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự “nhanh hơn, thông suốt và hiệu quả hơn”. Các đơn vị, sở, ngành, người đứng đầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động rà soát công việc, phối hợp, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn giải quyết công việc. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Phan Văn Mãi đưa ra thí dụ cụ thể về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của bảy tháng đầu năm, thành phố chỉ mới đạt 26% kế hoạch năm.

“Nút thắt” này nếu không sớm được tháo gỡ thì hoạt động dẫn dắt đầu tư xã hội, cơ sở hạ tầng của thành phố sẽ không theo kịp với tốc độ phát triển, từ đó tác động đến chất lượng đời sống của người dân. Trong tháng 8 và thời gian tiếp theo, UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết nhiều vấn đề quan trọng để tạo tiền đề đưa thành phố trở lại quỹ đạo và bứt tốc phát triển trong các năm tiếp theo.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, các đơn vị, địa phương cần tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thành phố cũng tập trung kiểm soát dịch Covid-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ,… để loại trừ nguy cơ dịch chồng dịch, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Ngoài ra, thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân đầu tư công để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm và các năm tiếp theo.