Tháo gỡ khó khăn cho giáo dục chuyên biệt

Giáo dục chuyên biệt (GDCB) ở TP Hồ Chí Minh hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhân sự và cơ sở vật chất. Vì vậy, tập trung nâng cao chất lượng các trường chuyên biệt, xây dựng được mạng lưới chuyên môn tại các quận, huyện để bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên; có một quy chế chung về giáo dục khuyết tật cho các trường, nhằm giúp các đơn vị hoạt động hiệu quả... là những giải pháp quan trọng để bảo đảm việc học hành của trẻ khuyết tật.

Một lớp học dành cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật TP Hồ Chí Minh.
Một lớp học dành cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2014 - 2015 vừa qua, toàn thành phố có 27 trường chuyên biệt tiếp nhận gần 3.000 học sinh khuyết tật và gần 5.000 học sinh học hòa nhập tại các trường học trên địa bàn, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật có được các kỹ năng cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Đến nay, vẫn còn bảy quận, huyện chưa có trường chuyên biệt công lập. Các trường chuyên biệt dân lập thì còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và dụng cụ giảng dạy. Cơ sở vật chất của các trường chuyên biệt còn nhỏ hẹp, thiếu sân chơi, thiếu đồ chơi vận động ngoài trời. Các trường hòa nhập thiếu phòng học cho trẻ khuyết tật hoạt động cá nhân. Ở những quận, huyện chưa có trường chuyên biệt, phụ huynh có con khuyết tật đành để con ở nhà hoặc phải đưa đến những quận xa để xin học nhờ…

Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên thỉnh giảng bộ môn Tâm lý thần kinh và tâm bệnh học phát triển của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, trẻ khuyết tật có nhu cầu về đầu tư giáo dục cao gấp nhiều lần trẻ bình thường, vì vậy, trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật cần có những yêu cầu riêng, nhất là lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng... Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Tâm, hầu hết các trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật đều khó khăn từ việc trang bị đồ dùng học tập, đồ chơi, sách vở đến việc bổ sung nguồn giáo viên, cán bộ y tế, bảo mẫu... Nhiều trường phải tận dụng những phòng học cũ để làm nơi dạy trẻ khuyết tật. Chẳng hạn, Trường chuyên biệt Hy Vọng (quận 8) trước đây là một căn nhà của người dân để lại, chỉ rộng 216 m2
cho nên sân thượng được tận dụng làm sân thể dục, phòng đọc sách và cả nơi dạy kỹ năng. Còn Trường chuyên biệt Thảo Điền (quận 2) mỗi khi triều cường là sân trường chìm ngập trong nước, nhưng cũng không có kinh phí để nâng nền, ngăn nước… Cũng theo Giám đốc Nguyễn Thanh Tâm, nhân lực của các trường hiện cũng rất thiếu, gây không ít khó khăn cho các trường chuyên biệt muốn mở thêm phòng học để nhận trẻ. Đội ngũ giáo viên các trường chuyên biệt chưa bảo đảm được tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Thiếu giáo viên, một phần là do tỷ lệ trẻ khuyết tật hằng năm tăng lên; mặt khác, trình độ chuyên môn của giáo viên không đồng đều, phần lớn đều được chuyển từ các trường mầm non sang, sau đó được chuẩn hóa. Hằng năm, có khoảng 40 sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục chuyên biệt của Khoa Giáo dục đặc biệt thuộc Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhưng để tuyển bổ sung cho các trường cũng rất khó. Lý do chính là hầu hết những sinh viên này từ các địa phương khác đến thành phố học, muốn được tuyển lại liên quan đến vấn đề hộ khẩu khá nhiêu khê.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, hiện nay, GDCB của thành phố mới phát triển chiều rộng mà chưa có chiều sâu, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục phát triển hòa nhập người khuyết tật thành phố Nguyễn Thanh Tâm kiến nghị cần phải tập trung nâng cao chất lượng các trường chuyên biệt, xây dựng được mạng lưới chuyên môn ở các quận, huyện để bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên. Nhất là, cần có một quy chế chung về giáo dục khuyết tật cho các trường, giúp các đơn vị hoạt động.

Trong năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tiếp tục tham mưu xây dựng trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở bảy quận, huyện chưa có trường chuyên biệt (quận 4, 7, 9, Nhà Bè, Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Thạnh). Cùng với đó, tổ chức các hội thảo chuyên đề về giáo dục hòa nhập tại phòng giáo dục địa phương để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn trong giảng dạy, xây dựng các mô hình giáo dục hòa nhập tiên tiến ở các cấp học…