Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam

NDO -

NDĐT – 25 năm qua, hàng nghìn nhà khoa học quốc tế đã tới Việt Nam trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam. Gặp gỡ Việt Nam không chỉ là nơi hội tụ các nhà khoa học, mà còn truyền đi cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam, xây dựng mạng lưới nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè năm châu. 25 năm qua, Hội Gặp gỡ Việt Nam mang nhiều dấu ấn đặc biệt ấn tượng cho sự phát triển của khoa học tại Việt Nam.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam

Thành lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam năm 1993

Từ thành tựu của Gặp gỡ Moriond (1966) và Gặp gỡ Blois (1989), vào năm 1993, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch của hai tổ chức khoa học này đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Một trong những mục tiêu chính của hội là đóng góp một phần nào vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của Việt Nam.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 1

Gặp gỡ Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.

25 năm qua, chương trình Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức 13 lần chuỗi các hội nghị khoa học quốc tế “Gặp gỡ Việt Nam” làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh các hội nghị hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” còn tổ chức các khóa học chuyên đề cho sinh viên, các buổi thuyết trình khoa học đại chúng, các buổi giao lưu trực tuyến, trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên.

Xây dựng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) xây dựng tại Bình Định năm 2013

Sự kiện nổi bật nhất là năm 2013, Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) được xây dựng tại Bình Định, trở thành một điểm đến cho các nhà khoa học. Năm đó, Hội nghị “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” trong “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” có sự tham dự của năm giáo sư đạt giải Nobel, một giáo sư đạt giải Fields và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 2

Trung tâm đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học Khoa học chuyên đề với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư Nobel, hai giáo sư đạt giải Fields, hai giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học), một giáo sư đạt giải Shaw, một giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và CINO DELDUCA (Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.

Gặp gỡ Việt Nam năm thứ 25: 1.500 nhà khoa học tham dự

“Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14 năm 2018 có 12 hội nghị khoa học quốc tế và sáu lớp học chuyên đề khoa học với sự tham gia của hơn 1.500 nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có năm giáo sư đạt giải Nobel, và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 3

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 25 đón chào các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới.

Hai sự kiện nổi bật và quan trọng là: Hội thảo “Khoa học để phát triển” tổ chức ngày 9 đến 10-5. Hội thảo nhận được sự bảo trợ tối cao của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emanuel Macron và bảo trợ của tổ chức UNESCO. Hội thảo đã quy tụ hai giáo sư đạt giải Nobel, nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới. Bên cạnh đó, hội thảo khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến 11-8. Hội thảo có sự tham dự của hai giáo sư đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 4

GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc đón tiếp GS đạt giải Nobel Kinh tế đến Việt Nam trong hội thảo "Khoa học và phát triển" tại Quy Nhơn, Bình Định.

Trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14, Hội Gặp gỡ Việt Nam cũng sẽ tổ chức các buổi giao lưu giữa các giáo sư đạt giải Nobel, các nhà khoa học danh tiếng với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Quy Nhơn, Huế, Đà Lạt, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Những đóng góp về đào tạo cho Việt Nam

25 năm qua, Gặp gỡ Việt Nam đã hỗ trợ học bổng giúp hệ Cử nhân tài năng từ năm 1977 cho ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Một số lớn sinh viên được tuyển vào học ở Trường đại học Bách khoa Paris (Ecole Polytechnique). Tổ chức đã kết nối với ĐH Brown (thông qua GS. Chung I Tan) hỗ trợ một số sinh viên đã sang Mỹ làm luận án và đã tốt nghiệp.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 5

TS trẻ Lê Trung Quân, Giám đốc Trung tâm Khám phá từng nhận được sự hỗ trợ từ Hội Gặp gỡ Việt Nam học tại Pháp, và hiện đang công tác tại Việt Nam.

Từ năm 1993 đến nay, Hội Gặp gỡ Việt Nam tài trợ tổ chức hơn 35 lớp học quốc tế về Vật lý lý thuyết, Vật lý Thiên văn, Toán học, Toán học ứng dụng trong y học để đào tạo nhân lực khoa học chất lượng cao trong các lĩnh vực này cho Việt Nam. Hội giúp đỡ các sinh viên, nghiên cứu viên trẻ có cơ hội tiếp xúc, học hỏi các giáo sư giỏi, tìm kiếm các cơ hội làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Hội vận động Viện Vật lý giúp đỡ cho khoa Vật lý, Đại học Quy Nhơn, cho phép tham gia vào chương trình phát triển Vật lý quốc gia đến 2020, tham gia vào ban tổ chức của các hội nghị quốc gia... qua đó từng bước xây dựng đội ngũ và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học cho Khoa Vật lý, Trường Đại học Quy Nhơn.

Đào tạo kỹ sư chất lượng cao

Hội Gặp gỡ Việt Nam đã phối hợp với các trường kỹ sư ứng dụng quốc gia Pháp (INSA) để đào tạo kỹ sư chất lượng cao; giúp liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế và các Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia INSA Pháp (Institut National des Sciences Appliquées). Năm 2009 đến nay, Hội kết hợp với INSA Centre Val de Loire, Blois đào tạo được 7 khóa cho các sinh viên Việt Nam. Hội cũng mở rộng hợp tác với INSA Toulouse để tiếp nhận các sinh viên trong chương trình từ năm học 2016-2017.

Chương trình học bổng Gặp gỡ Việt Nam - Vallet:

Từ năm 2000 đến nay, với sự thành lập Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam -Vallet với sự tham gia của Quỹ Vallet (Pháp), Hội Gặp gỡ Việt Nam đã tặng hơn 22.000 suất với số tiền khoảng 270 tỷ đồng. Mỗi năm, Hội phát học bổng cho các em với trị giá khoảng 25 tỷ đồng trên toàn quốc. Hội cũng trao khoảng 15 suất học bổng (6.000 euro/suất) cho sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt tại Pháp.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 6

Triển khai phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột

Năm 2000, hội phối hợp với các giáo sư Pháp và các sở giáo dục địa phương đào tạo hơn 1.500 giáo viên cốt cán giảng dạy kiến thức khoa học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột - La main à la pâte” dựa trên phương pháp “Hands-on” ở Mỹ. Chương trình tập trung phát triển khả năng nhận thức của trẻ em một cách khoa học nhất, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 7

Học sinh Trường Tiểu học Võ Văn Dũng (TP Quy Nhơn) trong giờ học với phương pháp Bàn tay nặn bột.

Từ năm 2011, hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học) triển khai tập huấn cho tất cả các địa phương trên toàn quốc. Hội cũng hỗ trợ triển khai Trung tâm thực nghiệm phương pháp bàn tay nặn bột tại Quy Nhơn, Bình Định.

Xây dựng ba làng SOS

Cùng với Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã giúp Việt Nam xây dựng ba làng SOS Đà Lạt (1974), SOS Thừa - Thiên Huế (2000, trước đây là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân), SOS Đồng Hới, Quảng Bình (2006). Hiện nay, Hội vẫn giúp đỡ 100% cho làng SOS Thừa - Thiên Huế.

Thành tựu 25 năm Gặp gỡ Việt Nam ảnh 8

GS Trần Thanh Vân bên các em nhỏ tại Làng SOS Thừa - Thiên Huế.

Ngoài tìm kiếm ngân khoản xây dựng, nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại 3 làng SOS nói trên, hội cũng thành lập trường dạy nghề làm bánh mỳ và bánh ngọt Pháp tại Huế từ năm 1999 giúp đào tạo nghề cho các thanh niên gia đình khó khăn, trẻ em ở các làng trẻ em SOS. Tất cả các em tốt nghiệp đã được làm việc trong các khách sạn lớn tại Huế, Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

* 200 đại biểu quốc tế tham dự hội thảo "Khoa học và phát triển" tại Việt Nam

* Hai nhà khoa học đạt giải Nobel đến Việt Nam