Xã Thanh Trù nằm ở phía nam thành phố Vĩnh Yên, được thành lập từ 2 làng Vị Thanh và Vị Trù. Làng Vị Thanh cổ được chia thành 6 thôn gồm Đoài, Đông, Đồng, Nam, Rừng và Vinh Quang.
Bà Nguyễn Thị Dự, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Trù kể: "Tôi làm dâu ở thôn Đông đã được 54 năm. Trước đây Thanh Trù toàn là đồng ruộng. Đầm Vạc ngày xưa nước trong, đẹp lắm. Cứ mồng 4 Tết là tổ chức tiệc ở 3 ngôi đình là đình Thượng, đình Trung và đình Hạ. Sau khi dâng hương tế lễ, cả làng ăn tiệc. Xong tiệc đình đến tiệc thôn. Cả 7 thôn trong xã đều có điếm (nơi thờ thần đất, thổ địa, người địa phương gọi là đức cảnh thổ). Riêng thôn Đông có 2 điếm. Các thôn mở tiệc từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Tiệc thôn rất vui, có cả phần lễ, phần hội, liên hoan văn nghệ, kéo co, thi đấu thể thao".
Trên địa bàn xã Thanh Trù còn có đền Bà, còn gọi là đền Vị Thanh, thờ nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Đền được xây dựng trên một mô đất cao, bao bọc chung quanh là những cây cổ thụ, rất trang nghiêm, cổ kính. Theo sử sách truyền lại, chị em Thanh Nương (gồm 3 nữ, 1 nam) chiêu mộ được 60 nghìn binh mã hội quân với Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán. Sau đó, 3 bà Thanh Nương hóa tại đất này.
Đền Bà có từ lâu đời và lưu giữ được nét đặc sắc là những di vật quý bằng gỗ, được chạm trổ tinh vi. Vào trung tuần tháng 10 âm lịch, tại đền diễn ra lễ tế trâu với nghi thức tắm cho trâu, nghinh thánh, hiến trâu. Tiếp theo phần lễ sẽ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đền Bà có nhiều câu đối cổ, trong đó có câu:
Hội quyết thư hùng Trưng triều vạn cổ lưu chính khí
Nguyên phân kinh vị giáng thần Bạc thủy thẩm ân ba
(Tạm dịch là: Hội tụ anh hùng thời đại Bà Trưng lưu lại tinh thần khảng khái bất khuất/Không sợ phân chia làm thủy thần đầm Bạc sóng ngầm ân nghĩa cao sâu).
Xã còn có chùa cổ gọi là Linh Sơn tự, nằm ở thôn Nam, là một di tích kiến trúc nghệ thuật. Trong chùa có chuông đồng niên đại Tự Đức 1857 và một cây hương đá hình trụ cao 1m chữ khắc đã mờ hết. Nội dung trên chuông nêu rõ: chùa cổ Linh Sơn ngày xưa có chuông nhưng trải qua thời loạn lạc nên cũng không còn. Chuông đúc sau này là chuông mới. Như thế mới thấy ngôi chùa này có từ rất lâu.
Không khí văn hóa, thể thao của Thanh Trù tưng bừng, rộn rã quanh năm. Các thôn đều có khu vui chơi thể thao. Trung tâm văn hóa xã rộng 1,2 ha. Người dân trong xã tổ chức hàng chục câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, 17 câu lạc bộ thể dục, thể thao và nhiều sân chơi khác như bóng chuyền hơi, bóng đá, cờ tướng…
Những năm gần đây, Thanh Trù có thêm các dịch vụ mới là sân golf Đầm Vạc, khách sạn 5 sao DIC star, khu đô thị Nam Đầm Vạc và nhiều dự án đô thị khác. Tuy nhiên, cư dân là người sở tại vẫn chiếm đa số.
Cái hay của Thanh Trù là dù vật đổi sao dời nhưng các phong tục cưới hỏi, lễ nghi vẫn như cũ. Nhờ duy trì được những lễ hội, phong tục, tập quán nên đời sống tinh thần của người cao tuổi trong xã rất phong phú. Các cụ già còn tham gia các hoạt động văn nghệ, dưỡng sinh và nhiều hoạt động khác.
Theo quy hoạch, Thanh Trù sẽ trở thành một phường của thành phố Vĩnh Yên trong tương lai không xa, có diện tích gần 7 km2 với dân số hơn 10.600 người.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phùng Thị Thúy Hiền cho biết: Xã Thanh Trù đã đạt 4/4 tiêu chuẩn và 11/12 tiêu chí của hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường. Năm 2023, xã tự cân đối thu chi ngân sách; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,22%; lao động phi nông nghiệp chiếm 83,04%. Hiện nay, xã tập trung giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và hoàn thành xây dựng 2 thôn nông thôn mới kiểu mẫu là Vị Trù và Vinh Quang.
Bà Hiền khẳng định, dù có lên phường thì người dân Thanh Trù vẫn gìn giữ nét làng quê hồn hậu và những phong tục, tập quán tốt đẹp mà cha ông để lại cho thế hệ mai sau.