Nội dung tờ trình tập trung vào các vấn đề: Cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương tối đa tham gia thực hiện các dự án thành phần và đề xuất nguồn vốn ngân sách Trung ương cần hỗ trợ để thực hiện dự án; nghiên cứu, bổ sung phương án đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT (thanh toán bằng tiền hoặc thanh toán bằng đất, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội) để đánh giá luận cứ, đề xuất phương thức đầu tư khả thi; đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp tình hình thực tế từng địa phương.
Riêng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để thống nhất đưa hạng mục cầu Thủ Biên vào dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương để tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện dự án thành phần đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương thông qua.
Các địa phương có dự án đi qua cũng kiến nghị đối với dự án thành phần không sử dụng vốn Trung ương do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) làm cơ quan có thẩm quyền, khi dự án thành phần có điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư vượt 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP so chủ trương đầu tư được Quốc hội phê duyệt thì giao Ủy ban nhân dân các tỉnh được quyền thực hiện các trình tự, thủ tục lập, tổ chức thẩm định, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh theo quy định.
Khẩn trương hoàn thiện, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh
Đối với dự án thành phần sử dụng vốn Trung ương tham gia dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền, khi dự án thành phần có điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư vượt 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP so chủ trương đầu tư được Quốc hội phê duyệt, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Long An thực hiện các trình tự, thủ tục lập và trình cấp thẩm quyền tổ chức thẩm định, trình Quốc hội phê duyệt theo quy định.
Đồng thời đề xuất Trung ương giao Ủy ban nhân dân các địa phương gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương làm cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thực hiện đầu tư các dự án thành phần của đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc địa phận của từng địa phương) đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Ngày 7/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 483/QĐ-TTg bổ sung dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo đó, quy mô đầu tư đề xuất (giai đoạn 1) với tổng chiều dài tuyến vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 207km. Cụ thể, Bà Rịa-Vũng Tàu 18,23km; Đồng Nai 45,54km; Bình Dương 47,45km; Thành phố Hồ Chí Minh 17,3km; Long An 78,3km.
Tổng mức đầu tư dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 135.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 86.000 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư.