Thành phố Hồ Chí Minh tập trung ứng phó dịch tay chân miệng

Những ngày gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện nhi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải tăng phòng bệnh và bác sĩ điều trị. Các chuyên gia y tế cảnh báo dịch còn tiếp tục tăng và khi học sinh đến mùa tựu trường có thể sẽ bùng phát.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng. (Ảnh THẾ ANH)
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng. (Ảnh THẾ ANH)

Trưa 8/8 tại Khoa Hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng đang được điều trị tích cực, phải đặt nội khí quản, thở máy, có trẻ lọc máu. Tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, nhiều trẻ mắc tay chân miệng nằm viện và chờ nhập viện.

Một bé trai (ba tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) bị bệnh tim bẩm sinh hiện phải theo dõi tim định kỳ. Gia đình thấy em mệt, thở nhanh, nhưng nghĩ là do bệnh tim, khi nhập viện các bác sĩ phát hiện mắc bệnh tay chân miệng nặng. Lập tức, bệnh nhi được can thiệp xử lý kết hợp nhiều phương pháp, hỗ trợ chăm sóc tốt hơn.

Tuy nhiên, diễn biến bệnh vẫn nặng dần, sáng 8/8, các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản và tiếp tục theo dõi thêm. Một giường bệnh khác ở phòng Hồi sức cấp cứu là bé gái P.N.A (hai tuổi, ngụ tại tỉnh Long An). Trao đổi với chúng tôi, mẹ bệnh nhi vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết, khi gia đình thấy cháu bỏ ăn, đưa đi phòng khám tư nhân thì bác sĩ bảo chưa có biểu hiện cụ thể, về nhà theo dõi thêm.

Nhưng ngày hôm sau, bé sốt cao, chân tay run rẩy, gia đình vội chuyển bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc tay chân miệng cấp độ 3, ngay lập tức chuyển vào phòng Hồi sức cấp cứu. “Tôi không ngờ bệnh lại diễn tiến nhanh như vậy, từ lúc chưa có biểu hiện rõ ràng chuyển sang nặng quá nhanh, thật sự nếu không nhập viện kịp thời, tôi không dám nghĩ đến những chuyện sau đó”, mẹ bệnh nhi chia sẻ.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: Dựa vào tình hình dịch bệnh tay chân miệng khoảng một tháng nay, số ca nhiễm và bệnh nặng đang cao điểm, riêng ngày 8/8 có 125 ca tay chân miệng nhập viện điều trị, có 28 ca bệnh nhi nặng đang điều trị ở Khoa Hồi sức nhiễm và Hồi sức tích cực.

Hiện, tình hình dịch tay chân miệng vẫn chưa có xu hướng giảm. Đáng lo ngại, đang kỳ nghỉ hè mà con số đã tăng cao, sắp tới học sinh bước vào năm học mới nguy cơ còn tăng cao hơn nữa. Chính vì vậy, bệnh viện đang chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc, nếu có tình huống lây lan bệnh nhanh, thậm chí bùng dịch thì sẽ có phương án xử lý.

Đã trải qua các đợt dịch tay chân miệng lớn vào các năm 2011, 2018 và kinh nghiệm chống nhiều đợt dịch nguy hiểm khác, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẵn sàng các phương án theo từng mức độ. Đội ngũ nhân viên y tế đang phải tăng ca, thêm người.

Thông thường, một đêm chỉ có năm điều dưỡng, hai bác sĩ, nhưng hiện đã tăng lên sáu điều dưỡng, ba bác sĩ chính, hai bác sĩ phụ. Bệnh viện cũng đã bố trí thêm một tầng lầu, nâng tổng số giường lên 300 giường, cho nên các bệnh nhi hiện tại không phải nằm ghép hai, ba bệnh nhân/giường.

Về thuốc điều trị, 21 nghìn ống thuốc phenobarbital dạng tiêm vừa về đến Việt Nam sau thời gian dài bị gián đoạn đã kịp thời bổ sung nguồn thuốc quan trọng cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng nặng tại ba bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo các phụ huynh, nhà trường chủ động phòng ngừa, thường xuyên vệ sinh, rửa tay cho trẻ; cách ly khi trẻ đã mắc bệnh. Các trung tâm y tế quận, huyện cần đánh giá, sàng lọc tốt. “Phụ huynh không nên quá lo lắng vì không phải bệnh tay chân miệng nào cũng nặng và không phải ca nào cũng diễn tiến xấu.

Nhưng cũng không nên chủ quan”, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nhấn mạnh. Hiện nay, đã sắp cuối kỳ nghỉ hè, khi phát hiện con em mình có biểu hiện sốt, ban, phụ huynh không nên cho các cháu đi du lịch, đến nơi đông người, phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh; trong quá trình điều trị, trẻ cần được cách ly để bảo đảm an toàn phòng bệnh.

Đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Những năm trước, các ca mắc tay chân miệng nặng nhập viện thường chỉ đến độ 2a, nhưng khoảng một tháng nay, ngày nào khoa cũng có bệnh nhân chuyển độ từ 2a sang 2b hoặc đến độ 3. Khoa nhi C có sức chứa 50 giường, nhưng hiện tại đã có 40 ca bệnh độ 2a. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong tháng 7, có 6.504 ca khám tay chân miệng, 851 ca bệnh nội trú, tháng 6 ghi nhận một ca tử vong.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngành y tế thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó gồm ba cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Sở Y tế cũng đã phân công các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố và Bệnh nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc các tỉnh, thành phố phía nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình.

Cha mẹ không nên vì quá lo lắng mà đổ xô lên Thành phố Hồ Chí Minh gây quá tải. Các bệnh viện tỉnh hiện điều trị tốt bệnh lý này với thuốc, nhân lực có chuyên môn. Nếu không được chăm sóc ban đầu, trẻ có thể chuyển nặng và nguy kịch trên đường chuyển viện lên Thành phố Hồ Chí Minh.