Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác với Vùng Île-de-France (Pháp)

NDO - Ngày 26/6, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo Vùng Île-de-France. Hai bên thống nhất triển khai 3 nhóm nội dung hợp tác gồm phát triển kinh tế, chuyển đổi sinh thái và bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm việc với lãnh đạo Vùng Île-de-France, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai địa phương, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Khải Hoàn)
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm việc với lãnh đạo Vùng Île-de-France, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai địa phương, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Khải Hoàn)

Chuyến thăm và làm việc từ ngày 25 đến 28/6 của Đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu, nhằm thúc đẩy quan hệ quan hệ hợp tác với thành phố Paris cũng như với Pháp nói chung, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ Việt Nam-Pháp nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Tham gia các hoạt động của đoàn, có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng.

Ngày 26/6, tại buổi làm việc với bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Vùng Île-de-France, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ ấn tượng về vai trò và sự phát triển của Vùng Île-de-France. Vùng chỉ chiếm khoảng 2% diện tích nhưng đóng góp đến 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Pháp và có hơn 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, cùng với sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp, hợp tác cấp địa phương giữa hai bên cũng phát triển rất tích cực.

Cùng với sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp, hợp tác cấp địa phương giữa hai bên cũng phát triển rất tích cực.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của Việt Nam, với dân số hơn 14 triệu người và có gần 300 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Hiện nay, Pháp có gần 340 dự án với tổng vốn đầu tư 310 triệu USD, đứng thứ 16/119 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp, trong đó có các doanh nghiệp của Vùng Île-de-France đến đầu tư và tham gia hoạt động kinh doanh tại thành phố. Đồng chí cũng mong muốn lãnh đạo Vùng Île-de-France thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh và Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu như quy hoạch đô thị, mạng lưới giao thông, xây dựng thành phố thông minh, xử lý môi trường…

Chủ tịch Valérie Pécresse và các Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Île-de-France bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh trong những lĩnh vực mà hai cùng quan tâm và có thế mạnh.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác với Vùng Île-de-France (Pháp) ảnh 1

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Quy hoạch kiến trúc và xây dựng đô thị Pháp (PUCA), với nhiều mục tiêu, trong đó có việc hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi năng lượng và quy hoạch đô thị dài hạn. (Ảnh: Minh Duy)

Hai bên thống nhất triển khai ba nhóm nội dung chính thực hiện hợp tác: phát triển kinh tế, chuyển đổi sinh thái và bảo tồn phát huy giá trị di sản.

Về kinh tế, Chợ Quốc tế Rungis tăng cường hợp tác trong phát triển chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Về quy hoạch, Pháp có kinh nghiệm quản lý sông Senie phục vụ phát triển kinh tế và quy hoạch đô thị và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với Việt Nam.

Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác trong việc bảo tồn các công trình công cộng và các biệt thự có giá trị văn hóa, lịch sử do Pháp xây dựng trước đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ hợp tác, thực hiện các chương trình phát triển cộng đồng Pháp ngữ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc với Bộ Chuyển đổi sinh thái và Liên kết lãnh thổ, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang ưu tiên thực hiện chương trình cải tạo hành lang sông khu vực nội thành, tích hợp phát triển kinh tế, dịch vụ ven sông nhằm phát huy tối đa giá trị của dòng sông Sài Gòn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên mong muốn Bộ Chuyển đổi sinh thái và Liên kết lãnh thổ tục ủng hộ, đồng hành với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Theo đó, hai bên có thể xúc tiến hợp tác, triển khai các dự án điển hình trong phát triển đường sắt đô thị, nhà ở xã hội, mở rộng đô thị khu vực ngoại ô và phát huy vai trò của nông nghiệp đô thị trong vùng thành phố.

Hai bên có thể tăng cường trao đổi đoàn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo về quy hoạch đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác với Vùng Île-de-France (Pháp) ảnh 2

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao đổi với lãnh đạo Viện Quy hoạch đô thị Paris. (Ảnh: Minh Duy)

Tại buổi làm việc với ông Nicolas Bauquet, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Paris, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã trao đổi, tham khảo về kinh nghiệm quy hoạch, phát triển sông Seine, trong đó có cả kinh nghiệm giúp dòng nước kênh không bị ô nhiễm, không bị xả rác...

Đoàn cũng đến khảo sát, tìm hiểu mô hình Chợ quốc tế Rungis - chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn nhất thế giới, nhằm tham khảo kinh nghiệm nâng cấp 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn.

Những kinh nghiệm quý trong tổ chức và hoạt động của Chợ Rungis sẽ là cơ hội để ứng dụng những kinh nghiệm tốt trong hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chợ quốc tế Rungis (thuộc Tập đoàn Semmaris) là chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn nhất thế giới. Với diện tích lên tới 234ha, doanh thu của chợ ở mức 10 tỷ euro/năm. Có hơn 1.200 doanh nghiệp hoạt động, huy động khoảng 15.000 người lao động hằng ngày. Ngoài cung ứng thị trường trong nước, chợ còn tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chợ quốc tế Rungis là mô hình và cách làm mà Thành phố Hồ Chí Minh cần tham khảo học tập để tổ chức các hoạt động của chợ đầu mối, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiêu dùng của người dân.

Hiện nay, Công ty điều hành Chợ Rungis đã có những hoạt động phối hợp với chợ đầu mối Bình Điền trong tư vấn mở rộng giai đoạn 2. Những kinh nghiệm quý trong tổ chức và hoạt động của Chợ Rungis sẽ là cơ hội để ứng dụng những kinh nghiệm tốt trong hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác với Vùng Île-de-France (Pháp) ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Văn Nên làm việc với lãnh đạo Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Khải Hoàn)

Cũng trong ngày 26/6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Đoàn công tác của Thành phố Hồ Chí Minh có buổi làm việc với Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng báo cáo về hoạt động tích cực của các cơ quan đại diện tại Pháp trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực cũng như quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa các địa phương của hai nước.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác với Vùng Île-de-France (Pháp) ảnh 4

Đại sứ Đinh Toàn Thắng trao tặng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bức tranh tem Bác Hồ do Bưu điện Pháp phát hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ đặt chân đến Pháp. (Ảnh: Khải Hoàn)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp kết nối và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác với các đối tác và các địa phương của Pháp, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế và quản lý đô thị.