Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề để ổn định và phát triển kinh tế

NDO - Sau buổi thị sát 2 công trình sáng 27/11, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng một số bộ, ngành đã làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm năm 2022; các khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị, đề xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc chiều 27/11 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Quang cảnh buổi làm việc chiều 27/11 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Với mức tăng trưởng khá cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước tăng hơn 9% so với cùng kỳ, thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng (đạt 118,35% dự toán được giao), bằng gần 1/3 tổng thu ngân sách cả nước …, Thủ tướng đánh giá đây là kết quả rất phấn khởi của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã từng bị "bào mòn" trong/sau đại dịch Covid-19.

“Kết quả đạt được 11 tháng cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tăng trưởng kinh tế. Thành phố đã truyền cảm hứng cho sự phát triển chung”, Thủ tướng nhận định và ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và người dân Thành phố để tình hình kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh đã cam kết những chương trình, kế hoạch đưa ra thì phải thực hiện, đã thực hiện thì làm có hiệu quả trên tinh thần có lợi cho người dân và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận, Thành phố Hồ Chí Minh còn đối diện với nhiều khó khăn, như tình hình những tháng gần đây về biến động của giá xăng dầu, thị trường bất động sản, chứng khoán...

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân là hơn 12 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34%. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ 85% tổng số vốn giao.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Thành phố đang đối diện với một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý chung thị trường, của doanh nghiệp, nhân dân, dự báo có thể kéo dài. Tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ còn diễn biến phức tạp. Tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế ở khu vực công trong năm tăng cao. Các đơn vị được giao tự chủ tài chính phần lớn giảm nguồn thu, các cơ sở y tế không đủ kinh phí để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề để ổn định và phát triển kinh tế ảnh 1

Ga Tân Cảng thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên đang được Thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đưa vào vận hành cuối năm 2023

Để Thành phố Hồ Chí Minh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn tới, tiếp tục góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước, Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nhóm vấn đề cấp bách.

Trong đó, khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất và bất động sản, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Cụ thể: Xem xét nới room tín dụng thêm 2%; cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh để giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thanh toán kỳ hạn ngắn; xem xét, sớm thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ một số nước đang làm; xem xét cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như một ngân hàng thương mại, làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường.

Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc khi doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, ít khả năng tìm việc mới trong thời điểm gần đến Tết Âm lịch.

Về thị trường xăng dầu, hiện nay tuy đã được cải thiện tuy nhiên chưa bền vững, những bất ổn của thị trường xăng dầu không chỉ nhìn ở góc độ tác động kinh tế mà còn là niềm tin của người dân trong điều hành các giải pháp liên quan đến kinh tế và đời sống. Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các quy định của pháp luật để hệ thống cung ứng xăng dầu vận hành theo hướng bảo đảm lợi ích hài hòa của các khâu trong chuỗi phân phối.

Nhằm sớm đưa 3 bệnh viện cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh vào vận hành (Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi), phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Thành phố và các khu vực lân cận, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 3 dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện này với tổng nhu cầu là 4.500 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh nhiều khó khăn về việc làm, siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, Thành phố phát sinh một số tình hình như nhiều doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ,…) thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập.

Nhiều doanh nghiệp (nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản,…) gặp khó khăn về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp; Tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn là tâm lý xã hội thiếu an tâm; tình hình hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết cơ bản đã ảnh hưởng tâm lý, niềm tin của người dân và xã hội.