Theo thống kê, tính đến tháng 10/2022, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 2.030 dự án, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn hơn 5,4 tỷ USD, chiếm hơn 9,8% tỷ lệ vốn đầu tư tại thành phố.
Đây là kết quả đáng tự hào, cho thấy những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc củng cố và khai thác tiềm năng từ mối quan hệ song phương tốt đẹp của Việt Nam và Hàn Quốc.
Tại chương trình gặp gỡ, bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC nhấn mạnh, bên cạnh việc hỗ trợ nhà đầu tư trong các hoạt động sản xuất kinh doanh bằng các cơ chế, chính sách thì việc giải quyết các khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là hoạt động mà Thành phố Hồ Chí Minh hết sức quan tâm.
Buổi gặp gỡ sẽ cung cấp những thông tin hữu ích và giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp Hàn Quốc về chủ đề đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm hiện nay, đó là giấy phép lao động và thị thực cho người lao động nước ngoài.
Qua đó, góp phần tạo lối đi thông thoáng hơn nữa để mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mạnh dạn đầu tư vào thành phố trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội KOCHAM, bằng việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi của các chuyên gia sẽ góp phần giảm thiểu tối đa các sai sót trong quá trình thực hiện các quy định về giấy phép lao động và thị thực cho người lao động nước ngoài của các doanh nghiệp.
Có hơn 50 vấn đề vướng mắc cần được giải đáp đã được thu thập trong quá trình chuẩn bị chương trình gặp gỡ và Hiệp hội KOCHAM hy vọng các vấn đề này sẽ được giải đáp đầy đủ.
Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đã giải đáp các vấn đề liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; chế độ báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài; các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lao động nước ngoài; thủ tục để được cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài…