Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân

NDO - Theo kế hoạch chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ tạo lập dữ liệu ban đầu của hồ sơ sức khỏe điện tử cho 90% người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Kết quả đầu ra là thông tin sức khỏe người dân sẽ được hiển thị trên sổ sức khỏe điện tử của ứng dụng VNeID.
Kết quả đầu ra là thông tin sức khỏe người dân sẽ được hiển thị trên sổ sức khỏe điện tử của ứng dụng VNeID.

Ngày 20/4/2023, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 1923/QĐ-BYT về Phê duyệt kế hoạch triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử. Căn cứ vào quyết định này, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các sở, ngành liên quan kịp thời bổ sung và xây dựng phương án kỹ thuật để triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm bảo đảm dữ liệu sức khỏe của người dân "đúng-đủ-sạch-sống" và được liên thông trong toàn bộ các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Theo PGS,TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến nay, sở đã phối hợp đơn vị tư vấn (thuộc Trung tâm Chuyển đổi số của thành phố) hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chuẩn bị cho giai đoạn triển khai.

Ngoài ra, thực hiện kết luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2024, giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh mở rộng việc triển khai thí điểm đối với sổ sức khỏe điện tử tương tự mô hình thí điểm của thành phố Hà Nội.

"Chúng tôi phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm chuyển đổi số và Công an thành phố đã thống nhất các nội dung triển khai sổ sức khỏe điện tử. Theo đó, kết quả đầu ra là thông tin sức khỏe người dân sẽ được hiển thị trên sổ sức khỏe điện tử của ứng dụng VNeID".

Hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe (tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh…). Trên cơ sở đó sẽ giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời, giúp tăng cường kết nối giữa các cơ sở y tế, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bệnh nhân. Việc liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bản thân mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế thành phố cho biết: Điều khó khăn gặp phải khi xây dựng phương án tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử là chọn lựa các nguồn dữ liệu sẵn có bảo đảm nguyên tắc dữ liệu số “đúng-đủ-sạch-sống”.

Điều này mới đây đã được các sở, ngành liên quan thảo luận và thống nhất, các nguồn dữ liệu sẵn có là: Dữ liệu của người dân tham gia bảo hiểm xã hội; dữ liệu của người dân tham gia tiêm chủng Covid-19 và chương trình tiêm chủng mở rộng; dữ liệu dân cư.

Ngoài ra, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm phối hợp để thống nhất quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp thực hiện Đề án 06 của Chính phủ bảo đảm nguyên tắc dữ liệu số “đúng-đủ-sạch-sống” và đồng bộ để phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng của các đơn vị theo quy định của pháp luật trên phạm vi toàn quốc.

Về tạo lập dữ liệu ban đầu trên hồ sơ sức khỏe điện tử, trước mắt, được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo lập dữ liệu ban đầu của hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân thành phố dựa trên nguồn dữ liệu tiêm vaccine phòng Covid-19 và dữ liệu tiêm chủng mở rộng.

Ngoài ra, dữ liệu sức khỏe của người dân thành phố sẽ được tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, khởi đầu là nguồn dữ liệu sức khỏe của người cao tuổi, hiện đã có hơn 100.000 dữ liệu người cao tuổi.

Về tạo lập dữ liệu sức khỏe trên hồ sơ sức khỏe điện tử, thông tin sức khỏe của người dân trên hồ sơ sức khỏe điện tử được tích hợp từ dữ liệu khám sức khỏe của người cao tuổi, dữ liệu khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Ở giai đoạn đầu, Sở Y tế sẽ triển khai đến các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn để thực hiện liên thông kết nối với kho dữ liệu sức khỏe của thành phố.