Thanh niên dân tộc thiểu số với khát vọng xây dựng quê hương

NDO - Bằng tinh thần học tập, sáng tạo không ngừng nghỉ, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao cống hiến, các thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang có nhiều đóng góp cho quê hương. Sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm không chỉ giúp những thanh niên dân tộc thiểu số hiện thực hóa ước mơ của mình, đồng thời góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và chung tay xây dựng bản làng nơi mình sinh sống ngày càng giàu đẹp, phát triển hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Với khát vọng vươn lên, bản tính học hỏi, lòng kiên trì là chìa khóa giúp các thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công.
Với khát vọng vươn lên, bản tính học hỏi, lòng kiên trì là chìa khóa giúp các thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công.

Sau 13 năm học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Bùi Văn Cường, thanh niên người dân tộc Mường, ở xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình quyết định trở về địa phương, mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng bằng việc đầu tư, cải tạo ngôi nhà sàn đang ở để đón khách du lịch. Thông qua đó, anh Cường cũng mong muốn tạo cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên đồng bào các dân tộc trong vùng.

“Tôi rất mong du lịch cộng đồng ở địa phương phát triển, vì nhận thấy quê mình với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, 4 mùa hoa thơm khoe sắc, hơn nữa nơi đây còn được biết đến với nhiều loại rau củ quả ôn đới. Du khách không chỉ được tản bộ, hít thở không gian núi rừng, mà còn được trải nghiệm đặc sản của địa phương. Nên tôi quyết định đầu tư và mong muốn bà con sẽ cùng chung tay để quê hương mình được du khách biết đến nhiều hơn nữa", anh Cường chia sẻ về tương lai phía trước.

Thanh niên dân tộc thiểu số với khát vọng xây dựng quê hương ảnh 1
Mô hình du lịch cộng đồng của anh Bùi Văn Cường nhận được sự ủng hộ của địa phương và các thanh niên trong bản thường xuyên đến học hỏi kinh nghiệm.

Trong quá trình khởi nghiệp, anh Cường nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, định hướng từ địa phương để có những cách làm hiệu quả. Mới khởi nghiệp được hơn 1 năm, nhưng khu nhà sàn của anh Cường đã được nhiều đoàn du khách gần xa lựa chọn làm điểm dừng chân trong hành trình khám phá vùng cao Quyết Chiến. Từ mô hình này đã góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thổi làn gió mới vào sự phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời khai thác, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình.

Như bao cô gái dân tộc Mường sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao Quyết Chiến, tuổi thơ của chị Đinh Thị Quyết là những ngày tháng theo bố mẹ ra đồng làm việc. Nắm bắt được đặc tính khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, luôn trăn trở tìm hướng đi giúp người dân quê mình có cuộc sống ổn định, ấm no hơn, chị Quyết đã vận động bà con phát triển vùng trồng rau su su, loại rau sinh trưởng và phát triển phù hợp với khí hậu mát mẻ quanh năm nơi đây. Và Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến do chị Đinh Thị Quyết làm chủ nhiệm được ra đời.

“Chúng tôi kết nối những bà con nông dân, xây dựng nhiều chương trình tập huấn, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, để đưa rau sạch đến tận tay người tiêu dùng”, chị Quyết cho biết.

Thanh niên dân tộc thiểu số với khát vọng xây dựng quê hương ảnh 2
Những vựa rau sạch của Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến mang lại thu nhập ổn định cho bà con vùng cao.

Nhờ sự quyết tâm của chị Quyết, sự đồng lòng của bà con bản làng, những vựa rau sạch không ngừng được nhân rộng, phục vụ nhu cầu khách hàng ở Hòa Bình và các tỉnh, thành lân cận. Ngày ngày tất bật, vất vả với ruộng rau để có những mùa bội thu, mang lại thu nhập ổn định là niềm vui giản dị của người dân sinh sống trên vùng đất còn nhiều gian khó này.

Là người con dân tộc Dao sinh ra và lớn lên ở vùng đất trồng quế Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, anh Lý Hai hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình An, đơn vị chuyên thu mua và sơ chế vỏ quế.

Luôn mong muốn cống hiến và được làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, từ những kiến thức được học và sự mày mò, tìm hiểu, cùng quyết tâm và nỗ lực, năm 2020, anh Lý Hai mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Bình An. Tất cả các thành viên hợp tác xã đều là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Họ cùng lên kế hoạch, tham gia mô hình sản xuất và hơn hết là tâm huyết, gắn bó, hiểu rõ về cây quế. Bà con đồng lòng cùng khai thác một cách hiệu quả giá trị cây quế địa phương, dưới sự dẫn dắt của người thanh niên trẻ mạnh dạn và đầy hoài bão - Lý Hai.

“Chúng tôi muốn nâng giá trị của cây quế, phát triển địa phương và góp phần giúp các hộ dân có công việc, thu nhập ổn định”, anh Lý Hai chia sẻ.

Thanh niên dân tộc thiểu số với khát vọng xây dựng quê hương ảnh 4
Anh Lý Hai hy vọng tạo thu nhập ổn định cho bản thân và bà con đồng bào dân tộc Dao ở địa phương.

Bên cạnh sản phẩm từ quế, hợp tác xã của anh Lý Hai cũng phát triển các mô hình trồng dược liệu. Từ đó không chỉ giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý ở địa phương.

Thanh niên dân tộc thiểu số với khát vọng xây dựng quê hương ảnh 5
Bà con người Dao ở Đại Sơn, Văn Yên (Yên Bái) sơ chế dược liệu.

Mang trong mình niềm tự hào về bản sắc văn hóa, tình yêu với quê hương, đất nước, các anh, chị: Bùi Văn Cường, Lý Hai, Đinh Thị Quyết là những thanh niên tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số, mang trong mình niềm tự hào về bản sắc văn hóa, tình yêu quê hương và luôn nuôi dưỡng tinh thần cống hiến, có hoài bão xây dựng bản làng giàu đẹp. Họ đã thắp lên những ngọn lửa của niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn ở những nơi miền núi xa xôi.