Thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021-2025

NDO - Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021-2025. Hội đồng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái (Ảnh minh họa: nhandan.vn).
Ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái (Ảnh minh họa: nhandan.vn).

Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Hội đồng điều phối vùng).

Theo đó, Hội đồng điều phối vùng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía bắc.

Đây là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Tổ chức thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía bắc.

Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Phó Chủ tịch Thường trực là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Bốn Phó Chủ tịch là Bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội.

Ủy viên Thường trực của Hội đồng là Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Các ủy viên gồm Thứ trưởng và tương đương của các bộ cùng cơ quan ngang bộ: Tài chính, Công thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ.

Ngoài ra, còn có Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

2 ủy viên là đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp vùng; đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp của vùng trung du và miền núi phía bắc.

Hội đồng điều phối vùng có ba nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía bắc.

Trong đó, bao gồm: Quá trình phối hợp lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quá trình triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Quá trình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quá trình triển khai thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng; Các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế khác cho hoạt động liên kết phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía bắc.

Thứ hai, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng, cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng.

Cụ thể như: Thông qua kế hoạch điều phối liên kết vùng hằng năm của vùng trung du và miền núi phía bắc; Theo dõi, đôn đốc, giải quyết các vấn đề về liên kết, phối hợp giữa các bộ với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc và giữa các tỉnh trong vùng; Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.

Thứ ba, Hội đồng còn có một số nhiệm vụ, quyền hạn khác.

Đó là: Tổ chức các hoạt động chung về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng; Thành lập các tiểu ban điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng (nếu cần thiết); Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch vùng và hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan phục vụ phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía bắc; Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp, liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của toàn vùng trung du và miền núi phía bắc; Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin, số liệu và báo cáo, giải trình các vấn đề xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác.

Các thành viên Hội đồng điều phối vùng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Hội đồng điều phối vùng có thể thành lập các tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng. Tiểu ban được tổ chức và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Hội đồng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng điều phối vùng, sử dụng bộ máy giúp việc để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng. Cơ quan này thành lập Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, bảo đảm đủ nhân lực (công chức kiêm nhiệm) để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các nội dung, lĩnh vực hoạt động điều phối liên kết vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện gồm 4 lĩnh vực chính:

1. Liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi phía bắc.

2. Điều phối phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía bắc, trong đó một số lĩnh vực ưu tiên điều phối: Quản lý phát triển vùng; Hợp tác với các nước bạn Lào, an ninh quốc phòng; Hợp tác về phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc vùng Tây Bắc.

3. Điều phối thực hiện Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Nội dung, lĩnh vực khác theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.