Phú Thọ phấn đấu trở thành tỉnh đi đầu ở khu vực trung du miền núi phía bắc

NDO - Sáng 13/7, HĐND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị lần thứ 4, HĐND tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị lần thứ 4, HĐND tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... mà HĐND tỉnh Phú Thọ đạt được trong thời gian vừa qua.

Mặc dù trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, linh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tỉnh Phú Thọ đã sớm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 6,28%; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%. Thu ngân sách năm 2021 đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán; ước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 4.589 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, tăng 38% so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công đạt kết quả tích cực, năm 2021 đạt 87,6%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 52% kế hoạch - là địa phương có tỷ lệ giải ngân trong nhóm 20/63 các tỉnh, thành cao nhất cả nước.

Thu hút đầu tư FDI có nhiều khởi sắc; kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm phát triển toàn diện; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều khởi sắc.

Các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao được chú trọng, tỉnh thực hiện tốt công tác tổ chức đối với các trận đấu bóng đá nam tại SEA Games 31, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước...

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin khái quát những kết quả nổi bật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt được trong thời gian qua.

Trong hơn 1 năm qua, triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... với tinh thần đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 13 phiên họp thường kỳ, 3 phiên họp bất thường, và đã tổ chức thành công 3 Kỳ họp thường lệ và 1 Kỳ họp bất thường; xem xét, quyết định nhiều vấn đề về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; thông qua 8 luật, 62 nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật khác; trong đó, nhiều luật có tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh cần quán triệt, nâng cao nhận thức và xác định Phú Thọ là trung tâm liên kết vùng.

Do vậy, các chính sách được ban hành cần chú trọng các nhóm giải pháp mang tính đặc trưng riêng của 1 tỉnh trung du miền núi; hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu, cụm công nghiệp; quan tâm phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, góp phần vừa phát triển bền vững, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của quê hương Đất Tổ Vua Hùng.

Tỉnh cần quan tâm đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả, thiết thực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

HĐND các cấp tỉnh Phú Thọ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những quyết sách bám sát, để sớm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phú Thọ là miền đất của những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa vật thể trong đó Hát Xoan và Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp chính quyền, trong đó có HĐND địa phương, tăng cường bảo tồn, giáo dục, truyền thụ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để “văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn động lực nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.

Nhấn mạnh HĐND là thiết chế quan trọng của bộ máy nhà nước nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ và bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà Đảng ta đã kiên trì lựa chọn trong suốt gần 1 thế kỷ qua, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cử tri và nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Thời gian tới, tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát; kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội.

Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách cho nhiệm kỳ 2026-2031 theo đúng quy định và hướng dẫn của Đảng; triển khai rà soát, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng cán bộ cho các khóa tiếp theo...