Trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hạ Hòa Nguyễn Ngọc Anh đọc diễn văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sau lễ dâng hương và lễ vật, Đội tế nữ quan gồm 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn, mặc áo dài màu sắc rực rỡ, trang nghiêm, thành kính thực hiện lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ theo đúng các nghi thức truyền thống.
Sau khi kết thúc phần lễ, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa và nhân dân đã thành kính thắp hương tri ân Tổ Mẫu Âu Cơ.
Phần Tế nữ quan do các cô gái thanh tân thực hiện lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống. |
Theo truyền thuyết, vào ngày mùng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, kết duyên cùng Lạc Long Quân rồi sinh được một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai.
Một ngày kia, Lạc Long Quân đưa 50 người con về biển, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi, để lại người con trưởng ở lại đất Phong Châu nối nghiệp là Vua Hùng thứ nhất.
Mẹ Âu Cơ đưa các con đến vùng Hiền Lương (xã Hiền Lương ngày nay), thấy phong cảnh non xanh nước biếc, đất đai phì nhiêu… bèn dừng lại khai khẩn đất hoang, lập làng, dựng xóm, dạy dân khai hoang, lập ấp, cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và làm ra các loại bánh từ sản vật địa phương.
Ngày 25 tháng Chạp, mẹ đã cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa đầu làng một dải lụa màu lung linh như cầu vồng bảy sắc. Dưới gốc đa ấy, nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ để tri ân công ơn to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ - Người mẹ linh thiêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Các cô gái thực hiện nghi thức Tế nữ quan tại đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa. |
Hằng năm, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ được tỉnh Phú Thọ tổ chức thành kính trang nghiêm với nghi thức mang đậm bản sắc văn hóa.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ còn là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương góp phần giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên.
Qua đó, tạo lập mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng - cội nguồn của sức mạnh tập thể trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.