Thanh Hóa quyết liệt tấn công tội phạm “tín dụng đen”

NDO - Ngày 31/3, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lập chuyên án 323V đấu tranh với tội phạm, Công an các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, thành phố Thanh Hóa cùng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh vừa tấn công, triệt xóa 6 địa điểm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
0:00 / 0:00
0:00
Công an xem xét tài liệu liên quan hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Công an xem xét tài liệu liên quan hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Lực lượng phối hợp gồm 6 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp 4 địa điểm trên địa bàn huyện Triệu Sơn, 2 địa điểm ở thành phố Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân; lập biên bản thu giữ: 77 xe máy, 2 xe ô-tô, hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, 19 điện thoại di động, hàng trăm giấy tờ cầm cố, thế chấp như: Hồ sơ mua bán nhà đất, tài sản giá trị, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe, đăng ký xe ô-tô, xe máy… có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đơn cử tại cơ sở cầm đồ Tâm Anh Phát của Lê Văn Hiếu, sinh năm 1982 ở phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa, lực lượng Công an thu giữ: 1 tỷ đồng tiền mặt, 2 hợp đồng mua bán nhà và nhiều tài liệu sổ sách liên quan đến việc cho vay nặng lãi. Triệu tập, làm việc với các đối tượng có liên quan, các đối tượng khai nhận: Lợi dụng giấy phép của cơ sở cầm đồ, các đối tượng đã cho vay thế chấp, cắt lãi trước.
Lê Văn Hiếu và Hồ Tùng Anh thuê Hoàng Ngọc Anh, sinh năm 1995 ở phường Phú Sơn và Vũ Ngọc Đức, sinh năm 1993 ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa làm nhân viên tính lãi suất, thu tiền của người vay. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, các đối tượng đã cho 147 bị hại vay 23 tỷ đồng với mức lãi suất cao, cắt lãi trước, thu lời bất chính 1,9 tỷ đồng.

Thanh Hóa quyết liệt tấn công tội phạm “tín dụng đen” ảnh 1

Các đối tượng cùng tài liệu, tang vật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Theo cơ quan Công an, khi cho người có nhu cầu vay tiền, các đối tượng yêu cầu các “con nợ” thế chấp trích lục nhà hoặc các giấy tờ có giá trị, viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà cắt lãi trực tiếp từ số tiền bị hại vay. Đến hạn mà người vay không trả tiền, các đối tượng cho “đàn em” đòi nợ, bắt người vay phải trả tiền thông qua tài khoản trang web của mình; trực tiếp đến nhà gây sức ép, buộc người vay phải trả hoặc phải chuyển nhượng tài sản nhà đất.

Bước đầu cơ quan Công an xác định, 6 cơ sở hoạt động “tín dụng đen” ở các địa phương nêu trên đã cho hơn 500 bị hại vay hơn 33 tỷ đồng lấy lãi suất cao, thu lời bất chính hơn 2,3 tỷ đồng.