Không để tín dụng đen đeo bám công nhân

Không ít công nhân, người lao động gặp hoàn cảnh éo le khi sa bẫy "tín dụng đen" từ những khoản vay tiêu dùng rất nhỏ. Để giúp người lao động "có sức đề kháng", đòi hỏi các gói giải pháp tài chính và phi tài chính được thiết kế linh hoạt, đồng bộ hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Thu nhập không ổn định khiến không ít công nhân phải thắt chặt chi tiêu.
Thu nhập không ổn định khiến không ít công nhân phải thắt chặt chi tiêu.

Ðã khó còn khó hơn

"Công nhân, lao động chúng tôi đang đối mặt cảnh khó trăm bề!", lời tâm sự của chị Hoàng Thị Thùy (quê ở Thanh Hóa), công nhân Công ty TNHH May mặc Minh Giang, đóng tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã gói rất nhiều tâm sự của đông đảo công nhân, khi những khó khăn thiếu đơn hàng chưa dứt, thì đã bị bóng đen "tín dụng đen" gây khốn khó. Trong số những người bị ảnh hưởng, chị gái của Thùy là Hoàng Thị Hoa đã vay người bên ngoài 32 triệu đồng và đang phải è cổ trả nợ vì lãi cao, bị dọa nạt khi chậm trả. Chị Thùy ngậm ngùi: "Công nhân lao động chúng tôi có tiền đóng học và lo lúc ốm đau cho con nhờ tiền làm tăng ca. Nay không còn việc để tăng ca nữa thì phải đi vay. Có lẽ, tôi sẽ bán chiếc nhẫn cưới để giúp chị trả cho xong nợ… Nhưng mỗi người chúng tôi cũng đều mong sự chia sẻ, như là điểm tựa trong đời sống khó khăn của mình".

Thực tế, có hàng nghìn trường hợp bị tác động như chị em Thùy. Để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, bảo vệ cán bộ công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những chỉ đạo "sát sườn" đối với công tác tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn "tín dụng đen" trong công nhân, người lao động. Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn cho biết: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chương trình hỗ trợ gói vay ưu đãi cho công nhân, người lao động. Đây cũng là bước đầu thí điểm chương trình cho vay ưu đãi khi vừa theo dõi người vay, dòng tiền, tiến độ trả nợ".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các cấp Công đoàn chủ động kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ phù hợp điều kiện công nhân, người lao động, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho đối tượng này.

Ða dạng cách thức hỗ trợ tín dụng

Từ năm 1991, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) trở thành địa chỉ thực hiện mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo cho công nhân, lao động thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính hiệu quả, giúp người lao động cải thiện cuộc sống, từng bước vượt khó, giúp đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi. Ngoài hỗ trợ công nhân tại TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính vi mô CEP đã "vươn tay" đến hỗ trợ công nhân tại Bình Dương, Đồng Nai và sẽ còn thực hiện tại các tỉnh, thành phố khác. Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ công nhân, người lao động, mới đây, Tổ chức Tài chính vi mô CEP, đã tổ chức Hội thảo giải pháp phòng, chống "tín dụng đen" trong công nhân lao động, đồng thời đưa ra Đề án "CEP tham gia cùng tổ chức Công đoàn phòng, chống "tín dụng đen" trong công nhân lao động".

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hầu hết công nhân đi vay số tiền ít nhằm mục đích tiêu dùng, do tâm lý ngại tiếp cận ngân hàng nên dễ thành "mồi" của các đối tượng cho vay nặng lãi. "Mong các cơ quan chức năng cung cấp thêm nhiều gói vay tiện lợi hơn và có những biện pháp cảnh báo hiệu quả", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Ở góc độ người thực thi chính sách, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý cho hay, thời gian qua, "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, nhiều người dân, nhất là công nhân, lao động chưa lường hết tác hại vẫn tìm đến các hình thức cho vay này. Mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã ký kết biên bản ghi nhớ chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động với Công ty Tài chính TNHH HD Saison (HD Saison) và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) nhằm triển khai thực hiện gói vay ưu đãi dành cho công nhân.

Từ góc độ pháp lý, TS Dương Thị Thanh Mai (nguyên Viện trưởng Nghiên cứu pháp lý, Bộ Tư pháp) chia sẻ, các cơ quan chức năng cũng nên chặn từ gốc, tức là ngăn chặn hiệu quả hơn hoạt động cho vay nặng lãi, làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác, xử lý triệt để các đường dây cho vay nặng lãi trái quy định. Trong đó, lực lượng công an đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, làm cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình cho vay.

Song theo nhiều chuyên gia, bản thân công nhân, người lao động cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, không để "tín dụng đen" đeo bám. Khi gặp khó khăn, hãy tiếp cận nguồn vốn vay chính thống, cảnh giác với nạn lừa đảo, mồi chài vay trên mạng xã hội, đề phòng rủi ro xảy ra trong giao dịch thanh toán điện tử. Nhằm bảo vệ người dân và khách hàng, cơ quan chức năng đã phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo (tại địa chỉ: chongthurac.vn); phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ: canhbao.khonggianmang.vn; canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn đề gặp phải về an toàn thông tin.

Theo một khảo sát vào năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), có đến 53,2% số công nhân lao động đã từng vay tiền ít nhất một lần, và có tới 78,5% trong số đó vay "tín dụng đen", chủ yếu để trang trải cuộc sống hằng ngày.