Chị N., ngụ thành phố Thủ Ðức bức xúc cho biết, nhiều ngày qua, chị liên tục nhận được các cuộc gọi chửi bới, xúc phạm cá nhân. Chị không nghe máy thì bị gọi cả trăm cuộc, chặn số này thì số khác gọi tới. Chị không thể tắt máy vì đó là số chị dùng để liên lạc chính. Do bản thân mình không mắc nợ ai nhưng bị gọi điện quấy rối, chị trình báo công an thì được xác minh, một người bạn đã vay tiền qua một ứng dụng trực tuyến, khi đối tượng liên lạc không được thì lập tức gọi đến các số trong danh bạ người kia đã cung cấp khi vay tiền.
Trường hợp khác, nhiều người cũng bỗng nhiên trở thành con nợ dù không vay mượn tiền ai. Có người còn bị ghép ảnh bêu riếu khắp nơi mặc dù họ chưa bao giờ vay tiền. Các đối tượng gọi điện quậy phá liên tục ngày, đêm bằng các số sim lạ, sim rác, nhắn tin Zalo, Facebook, đột nhập phá hoại trang web của cơ quan, doanh nghiệp, đe dọa đánh, giết, gây tai nạn giao thông... đến người thân, trẻ em, người già. Còn với các người vay tiền trực tiếp, nếu không trả lãi, gốc đầy đủ thì còn bị các đối tượng đòi nợ kinh khủng hơn như tạt mắm tôm, sơn, khủng bố tận nhà...
Các đối tượng đòi nợ còn thành lập cả công ty, sử dụng công nghệ để vận hành bộ máy cho vay, đòi nợ. Các công ty núp bóng dưới dạng văn phòng làm việc nhưng lại sử dụng đội ngũ nhân viên chuyên gọi điện để chửi bới, lăng mạ, xúc phạm người khác. Mới đây, Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá và khởi tố 26 nhân viên của Công ty tài chính TNHH Một thành viên Mirae Asset và chi nhánh Công ty luật TNHH Power Law về tội "Vu khống"; Công an quận Tân Bình cũng khởi tố 14 đối tượng đòi nợ về tội "cưỡng đoạt tài sản" liên quan đến Công ty mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và chi nhánh Công ty luật Thế hệ trẻ.
Hiện nay, luật pháp đã có chế tài đối với các hình thức đòi nợ kiểu khủng bố, cho vay tín dụng đen để chiếm đoạt tài sản. Với việc đòi nợ bằng cách thức đe dọa, đe dọa giết người, đưa quan tài, bình gas đến nhà họ để uy hiếp tinh thần, tính mạng của người vay tiền để buộc họ trả nợ là những hành vi của dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản (Ðiều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tội danh này sẽ bị phạt tù từ 1 đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội này có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, nhiều kẻ coi thường pháp luật vẫn bất chấp quy định để trục lợi. Ðể chấn chỉnh, triệt xóa vấn nạn này, cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh tay xử lý; phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc lập các ứng dụng, hình thức vay tiền trực tuyến. Ðồng thời, thực hiện việc tuyên truyền, cảnh báo các hình thức mời gọi cho vay tiền đến nhân dân, nhất là công nhân, sinh viên,... Các cơ quan chức năng cần cung cấp đường dây nóng để những người vô can, bị hại kịp thời phản ánh tình trạng các số điện thoại, tài khoản Zalo, Facebook... khủng bố họ ■