Thanh Hóa nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông

Mạng lưới giao thông đường bộ ở Thanh Hóa hiện có tổng chiều dài gần 26 nghìn km nhưng về cơ bản chưa hoàn thiện, hướng ngoại yếu, thiếu các trục giao thông đông-tây, kết nối với các tuyến đường chiến lược bắc-nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công cầu vượt sông Mã trên tuyến giao thông nối Quốc lộ 1 với cao tốc bắc-nam và Quốc lộ 45 phía bắc tỉnh Thanh Hóa.
Thi công cầu vượt sông Mã trên tuyến giao thông nối Quốc lộ 1 với cao tốc bắc-nam và Quốc lộ 45 phía bắc tỉnh Thanh Hóa.

Nhận thức rõ điều này, tỉnh đang tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi, mở ra các không gian phát triển mới.

Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan tỉnh Thanh Hóa, các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát đang tích cực triển khai các công trình giao thông trên địa bàn.

Tăng cường kết nối giao thông

Khởi công xây dựng vào đầu xuân Quý Mão 2023, dự án giao thông từ xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, dần hình thành tuyến kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45, các khu công nghiệp phía bắc huyện Hoằng Hóa và huyện Hậu Lộc với đường cao tốc bắc-nam; giảm áp lực giao thông qua Quốc lộ 45, Quốc lộ 217, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa qua Thiệu Hóa, Yên Định tới Quốc lộ 1A.

Sau 12 tháng, đoạn từ cầu vượt sông Mã đến nút giao với Quốc lộ 45 dài hơn 7 km đã thi công đạt 280 tỷ đồng, bằng 69% giá trị gói thầu. Huyện Thiệu Hóa vừa bàn giao 37m mặt bằng bên bờ tả sông Mã cho nhà thầu thi công đường dẫn đầu cầu Xuân Quang. Anh Trần Trọng Thanh, ở thôn Chí Cường 1, xã Thiệu Quang bộc bạch: Gia đình nhận hơn 1 tỷ đồng bồi thường, đã bàn giao gần 50 m2 đất thổ cư và các hộ ảnh hưởng đều đồng thuận, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án.

Nhiệm kỳ này, bình quân mỗi năm, Thanh Hóa dành khoảng 2.000 tỷ đồng, ưu tiên phát triển các tuyến giao thông kết nối mới, mở rộng không gian phát triển gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, miền, các địa phương.

Trên tuyến giao thông mới mở, dần định hình cầu vượt sông Mã tại Km0-Km5+250. Công ty cổ phần 479 Hòa Bình và Công ty cổ phần Xây dựng cầu Thanh Hóa đã thi công hai mố, 21/24 trụ, 52/95 dầm Super-T, 36/36 dầm bản; lao lắp được 11/25 nhịp, hoàn thành 5/25 nhịp mặt cầu, 1/2 đốt nhịp đúc hẫng; tổng khối lượng thi công đạt 265 tỷ đồng, bằng 56% giá trị hợp đồng. Đại diện Công ty cổ phần 479 Hòa Bình Đinh Văn Thanh chia sẻ:

Đơn vị đảm nhận thi công các hạng mục có tính chất kỹ thuật phức tạp như trụ chính giữa dòng sông sâu, nước chảy xiết, địa chất phức tạp, đúc hẫng cân bằng nhịp cầu với khối đỉnh trụ dài 22m; thời tiết không thuận lợi, giá vật liệu leo thang, khan hiếm nhưng nhà thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, hoàn thành công trình trước ba tháng so kế hoạch.

Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Thanh Hóa khởi công xây dựng tuyến đường Vạn Thiện đi Bến En có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, kết nối với đường cao tốc bắc-nam nhằm khai thác lợi thế du lịch ở Vườn quốc gia Bến En, khu bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm và lòng hồ rộng 3.000 ha cùng 24 hòn đảo nổi trên mặt nước.

Đến thời điểm này, các huyện Nông Cống, Như Thanh đã giải phóng, bàn giao gần 12 km mặt bằng cho nhà thầu thi công phóng tuyến. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn Lê Bá Hoàng trao đổi: Đảm nhận thi công 3,6 km đường, đơn vị đã thi công hoàn thành 80% hệ thống thoát nước ngang, 2,5 km móng đường, 2,8 km nền đường K98, thảm bê-tông nhựa 1,4 km. Hiện có 10 xe lu, 2 xe san gạt, 4 máy ủi, 20 ô-tô vận tải cùng nhân lực chia thành 2 mũi thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng đường Vạn Thiện-Bến En cùng công trình trên tuyến.

Ông Bùi Anh Tuấn, Tư vấn, giám sát đường Vạn Thiện-Bến En thông tin thêm: Được phép tận dụng khoảng 900 nghìn m3 đất đào nền đường đoạn qua huyện Như Thanh để đắp nền đường đoạn qua huyện Nông Cống đã tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 80 tỷ đồng ngay từ khi lập dự toán. Dù vậy, các nhà thầu phải xử lý 5 vị trí có nền đất yếu, thi công phân tán theo từng vị trí bàn giao mặt bằng. Tại thời điểm này, liên danh các nhà thầu đã thi công đạt khối lượng 330 tỷ đồng, bằng hơn 50% giá trị xây lắp.

Thanh Hóa nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông ảnh 1

Thi công đường dẫn lên cầu Xuân Quang.

Cùng với tập trung lãnh đạo, điều hành, sớm hoàn thành, góp phần đưa gần 100 km đường cao tốc bắc-nam, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa vào khai thác, bảo đảm tiến độ thi công 7 nút giao kết nối với mạng lưới giao thông trong tỉnh, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa tham mưu cho tỉnh và Bộ Giao thông vận tải ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, mang tính kết nối vùng, khu vực, liên tỉnh.

Quốc lộ 15 ở vùng thượng du Thanh Hóa tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, tăng cường kết nối với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, vùng thượng, trung Lào; kết nối với đường Hồ Chí Minh-“xa lộ nông nghiệp xanh” đã và đang góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội vùng miền tây đất nước. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa Mai Anh Tuấn cho biết:

Nhiệm kỳ này, bình quân mỗi năm, Thanh Hóa dành khoảng 2.000 tỷ đồng, ưu tiên phát triển các tuyến giao thông kết nối mới, mở rộng không gian phát triển gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, miền, các địa phương. Gắn kết với tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa là các trục giao thông đông-tây tiếp tục xây dựng như: Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển qua huyện Nga Sơn; đại lộ Lê Lợi kéo dài nối với đường Nghi Sơn-Cảng hàng không Thọ Xuân.

Với các huyện, thành phố trọng điểm, tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, có cơ chế chính sách khai thác, bố trí nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng, kết nối. Dự kiến, cầu trên tuyến đại lộ đông-tây ở thành phố Thanh Hóa tiếp tục được thi công; hoàn thiện tuyến đường từ Ngã tư Voi xuống Khu du lịch nam Sầm Sơn, kết nối với các trục giao thông bắc-nam vùng duyên hải nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, kinh tế biển.

Phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông

Giai đoạn 2021-2023, Thanh Hóa bố trí tập trung 10.250 tỷ đồng thực hiện các dự án giao thông, chiếm 30% tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thi công, giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, vật liệu. Tỉnh còn bố trí ngân sách 110 tỷ đồng/năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa Trịnh Huy Triều trăn trở: Nhu cầu vốn phát triển mạng lưới giao thông đường bộ rất lớn nhưng ngân sách có hạn, cần huy động mọi nguồn lực, có cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; khai thác hiệu quả nguồn lực từ tài sản công, đất đai, tạo vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Thanh Hóa chú trọng sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm; bố trí tập trung nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn ODA, ngân sách tỉnh, các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm, kết nối nội tỉnh và các vùng, các trung tâm kinh tế động lực. Tỉnh đã phê duyệt Đề án thu hút đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đây là cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Tỉnh tiếp tục rà soát, nghiên cứu, thu hút đầu tư các công trình đầu mối, kết nối liên vùng, liên tỉnh theo phương thức đối tác công tư nhằm kết hợp và huy động hiệu quả nguồn lực từ khối tư nhân theo phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, vận dụng sáng tạo mô hình “đầu tư tư-sử dụng công”, “lãnh đạo công-quản trị tư” trong đầu tư, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng giao thông; đồng thời, tỉnh huy động có hiệu quả các nguồn vốn, đóng góp của nhân dân, cùng Nhà nước xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phác thảo một số tuyến giao thông sẽ được đầu tư trong tương lai gần, như đường vành đai 3 tránh thành phố Thanh Hóa cùng trung tâm huyện lỵ Quảng Xương; từ điểm giao với đường Hồ Chí Minh thuộc xã Xuân Phú sẽ mở thêm tuyến đường mới tới huyện lỵ Thường Xuân, nâng cấp cửa khẩu Khẹo thuộc xã Bát Mọt.

Thanh Hóa đã tích cực tham mưu, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đầu tư đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh ở tỉnh Thanh Hóa với Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình; đồng thời phối hợp với tỉnh bạn đề xuất đầu tư nâng cấp 28 km Quốc lộ 15, đoạn qua tỉnh Hòa Bình nhằm tăng cường kết nối, giao thương hai tỉnh Thanh Hóa-Hòa Bình với các tỉnh Tây Bắc. Có những công trình cần làm ngay nhằm tạo không gian phát triển mới, tăng cường kết nối bốn trung tâm kinh tế động lực, sáu hành lang kinh tế, vùng liên huyện...