Thanh Hóa kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển

NDO - Thời gian qua, bình quân mỗi năm ở tỉnh Thanh Hóa có thêm khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập. Đi đôi với phát triển doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn ở phía nam tỉnh Thanh Hóa.
Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn ở phía nam tỉnh Thanh Hóa.

Khích lệ phong trào khởi nghiệp, quan tâm trợ giúp, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, đến đầu tháng 12 năm nay toàn tỉnh thành lập mới 3.375 doanh nghiệp, vượt 12,5% kế hoạch, tăng 11,1% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước; có 862 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,4%.

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác chuyển biến tích cực; có 60 hợp tác xã được thành lập, gấp 2,4 lần so với kế hoạch. Mặt khác, có 1.419 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, đề ra nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển doanh nghiệp. Đi đôi với đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan chức năng lắng nghe phản ánh, đối thoại với doanh nghiệp, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh yên tâm đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Qua 9 tháng, với 21 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, ngoài tạo việc làm cho 430 nghìn lao động, khu vực doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước hơn 10.063 tỷ đồng, chiếm khoảng 23% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 Thanh Hóa kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển ảnh 2

Nhân lực làm việc tại Trung tâm điều hành Nhà máy xi-măng Long Sơn.

Thực tiễn ghi nhận, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo, năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 19,25%; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, như: quần áo may sẵn tăng 19,1%, giày thể thao tăng 27%, xăng các loại tăng 31,5%, xi-măng tăng 7,6%, sắt thép các loại tăng 16,9%.

Có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn duy trì sản xuất, góp phần ổn định đời sống của người dân. Lĩnh vực xây dựng phát triển khá, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực tăng mạnh.

Năm 2024, thu ngân sách nội địa ở Thanh Hóa ước đạt 34.700 tỷ đồng, có đóng góp quan trọng của khối sản xuất, kinh doanh.

 Thanh Hóa kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển ảnh 3

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp phản ánh, chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa lần thứ 24.

Cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa còn tích cực tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, khuyến học, khuyến tài; các hoạt động nhân đạo, từ thiện; trợ giúp đồng bào bị thiên tai, bão lụt; ủng hộ, đóng góp để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, đánh giá cao.

Tại Diễn đàn kỳ họp lần thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa 18, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan trăn trở: Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm này có 38 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng chỉ có 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động có phát sinh doanh thu.

Có tới 17 nghìn doanh nghiệp đã thành lập nhưng nhiều doanh không phát sinh doanh thu, còn nhiều doanh nghiệp không hoạt động là do doanh nghiệp chưa tiếp cận được thị trường hay chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh; đồng thời phản ánh các vấn đề cụ thể, như giá vật liệu xây dựng chênh lệch giữa bảng giá thông báo của tỉnh so với giá thực tế, cấp phép khai thác vật liệu xây dựng tại các mỏ có trữ lượng cấp ra còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên vật liệu...

 Thanh Hóa kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển ảnh 4

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa giải trình, trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thành lập doanh nghiệp là nhu cầu tự thân và cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiệm cận đầy đủ các chính sách hiện hành; ghi nhận vẫn còn tình trạng thiếu các nguyên, vật liệu và đề xuất tiếp rà soát, bổ sung nguồn cung nguyên, vật liệu, bảo đảm phục vụ đầu tư, thi công xây lắp trong năm 2025 và giai đoạn kế tiếp.

Lấy “doanh nghiệp phát triển” để làm động lực cho “Thanh Hóa thịnh vượng”, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường tham vấn ý kiến, tích cực đối thoại; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định và thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật để cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh nhà ngày càng phát triển, để Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy của các nhà đầu tư.

 Thanh Hóa kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển ảnh 5

Nghề tiểu thủ công nghiệp duy trì, phát triển, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Thanh Hóa.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực cố gắng, phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp, thượng tôn pháp luật, ra sức thi đua sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tăng cường liên kết, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, chống biến đổi khí hậu; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, phải thực hiện đúng trách nhiệm nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội và các công việc chung của toàn tỉnh, vì một Thanh Hóa phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa-Ninh Bình và các hội, hiệp hội, ngành hàng tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, thành viên và cộng đồng doanh nghiệp; làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Thanh Hóa.