Thanh Hóa tranh thủ thời cơ, vận hội mới, phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước

Năm năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng nhờ được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương,... Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn.
Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn.

Kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc

Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh đã có các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, tận dụng cao nhất mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 11,4%, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2015, GDP (theo giá so sánh năm 1994) ước đạt 34.891 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, xếp thứ tám cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 1.530 USD, gấp 1,9 lần năm 2010, tăng nhanh hơn so với mức tăng trung bình của cả nước. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt 4%; giá trị sản xuất năm 2015 gấp 1,24 lần năm 2010. Các vùng trồng cây nguyên liệu phát triển ổn định; cơ giới hóa được đẩy mạnh ở một số khâu; một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành. Chăn nuôi phát triển mạnh; một số dự án chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hiện đại đang được đầu tư xây dựng; thủy sản phát triển cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, thật sự trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh, thu hút được toàn xã hội tham gia.

Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm 2015 giá trị sản xuất gấp 1,94 lần năm 2010. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Giai đoạn 2011 - 2015, đã thu hút 560 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 120 nghìn tỷ đồng, trong đó có 59 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 12,8 tỷ USD, đứng thứ sáu cả nước về thu hút vốn FDI. Các dự án: Xi-măng Long Sơn, thủy điện Trung Sơn, sản xuất dầu ăn tại Khu kinh tế Nghi Sơn,... và nhất là dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - công trình trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, lớn nhất cả nước từ trước đến nay, được khởi công xây dựng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn như: Nhiệt điện Nghi Sơn I, dây chuyền 2 xi-măng Công Thanh và nhiều nhà máy may mặc, giày da được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Năm 2015, cơ bản xóa hết các điểm vượt sông bằng phà trên các tuyến quốc lộ; cảng hàng không Thọ Xuân đi vào khai thác với lượng hành khách tăng nhanh, vượt quy hoạch đến năm 2020, đã đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và cảng biển nước sâu. Các công trình văn hóa lớn, như: Chính điện Lam Kinh, Đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo, Nhà hát Lam Sơn, thư viện tỉnh, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn,... được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Các ngành dịch vụ có chuyển biến tích cực cả về quy mô, loại hình và chất lượng. Một số siêu thị, chợ đầu mối đã đi vào hoạt động; giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu năm 2015 ước đạt 1,15 tỷ USD, gấp 2,9 lần năm 2010. Hạ tầng các khu du lịch được đầu tư nâng cấp, môi trường du lịch được cải thiện, văn hóa du lịch được nâng lên, lượng khách và doanh thu du lịch tăng cao.

Văn hóa, xã hội chuyển biến tiến bộ. Quy mô giáo dục phát triển hợp lý, chất lượng giáo dục được nâng lên; kết quả thi học sinh giỏi và thi đại học luôn ở tốp đầu cả nước. Chất lượng khám, chữa bệnh được coi trọng. Xã hội hóa y tế đạt khá, một số bệnh viện ngoài công lập hoàn thành và đi vào hoạt động. Hoạt động văn hóa, thông tin, văn học - nghệ thuật, thể dục, thể thao có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,57%/năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và hiệu quả hơn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chuyển biến tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng cao.

Nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đi qua với những thành tựu thật đáng phấn khởi, song, với tinh thần cầu thị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thật sự hài lòng với những kết quả đã đạt được so với tiềm năng, thế mạnh, cũng như yêu cầu phát triển của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phát triển thiếu bền vững. Sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chưa cao. Các loại hình dịch vụ cao cấp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là ở 11 huyện miền núi. Chất lượng giáo dục giữa các vùng miền chưa đồng đều. Các bệnh viện công lập vẫn trong tình trạng quá tải. Công tác giảm nghèo kết quả chưa thật sự vững chắc. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Vẫn còn có tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Năng lực cán bộ ở một số ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cấp, các ngành còn thấp. Cải cách hành chính có mặt còn hạn chế.

Tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới

Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại".

Trong 5 năm tới, cùng với tổ chức thực hiện có hiệu quả năm chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội, Đảng bộ lần thứ 17, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh phải triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trước hết, trong nông nghiệp tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Cùng với phát triển nông nghiệp, phải đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp công nghệ cao; đồng thời tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động vào khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Ưu tiên nguồn lực phát triển mạnh dịch vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển dịch vụ thương mại, vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế,... Đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm chế biến, giảm dần xuất khẩu các sản phẩm thô, sơ chế.

Hai là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo sức hấp dẫn mới để huy động cao nhất và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt đầu mối, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, bố trí nguồn vốn tập trung, tránh dàn trải, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực; tiếp tục đầu tư Cảng hàng không Thọ Xuân theo hướng đồng bộ, hiện đại để trở thành Cảng hàng không quốc tế. Xây dựng hệ thống cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng để sớm hoàn chỉnh cụm cảng nước sâu Nghi Sơn theo quy hoạch.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao của khu vực. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm; đẩy mạnh xuất khẩu lao động; lồng ghép có hiệu quả các chương trình giảm nghèo để đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bốn là, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh đấu tranh trấn áp tội phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết kịp thời, dứt điểm mọi khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng, tạo môi trường xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh, để nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Làm tốt công tác tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, nhất là ở khu vực nông thôn và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch. Đẩy mạnh bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn không phải là người địa phương; bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở những nơi có điều kiện.

Bước vào nhiệm kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm cao và niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.