Chiều 21/12, sau khi ăn trưa, một số học sinh ở Trường tiểu học Điện Biên 1 bị đau bụng nhẹ, buồn nôn.
Sáng 22/12, nhà trường nhận được thông tin một số cháu bị đau bụng, buồn nôn, được phụ huynh đưa đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.
Tất cả có 9 học sinh ở Trường tiểu học Điện Biên 1 nhập Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa và Bệnh viện nhi Thanh Hóa điều trị, chăm sóc, theo dõi sức khỏe.
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu suất ăn, gửi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương phân tích và sau 72 giờ mới có kết quả.
Cũng theo cơ quan chức năng trong tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp cung ứng hơn 1.400 suất ăn và số học sinh có biểu hiện trên phân bố ở nhiều lớp với các triệu chứng không điển hình của ngộ độc thực phẩm.
Qua kiểm tra, doanh nghiệp cung ứng các suất ăn bảo đảm hồ sơ kiểm soát nguyên liệu, thực phẩm đầu vào, lưu mẫu cung ứng các bữa ăn.
Hiện doanh nghiệp vẫn cung ứng các suất ăn cho Trường tiểu học Điện Biên 1, phường Điện Biên.
Thành phố Thanh Hóa và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa phân công cán bộ song hành kiểm tra, lấy mẫu test các món ăn, thức uống thuộc khẩu phần ăn, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Phụ huynh đưa học sinh đến cơ sở y tế điều trị, chăm sóc. |
Ngày 22/12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa ban hành công văn yêu cầu Ủy ban nhân dân các phường, xã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực trường học; kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm bán hàng trên vỉa hè, lòng lề đường, hàng rong trước cổng trường, gây mất trật tự công cộng, mỹ quan đô thị và tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Cổng Trường tiểu học Điện Biên 1 chiều 22/12. |
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa tăng cường chỉ đạo các trường mầm non, phổ thông kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm.
Tăng cường vệ sinh môi trường, khuôn viên trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, vệ sinh khử khuẩn lớp học, dụng cụ dạy học, đồ chơi nhằm ngăn chặn các bệnh lây truyền qua nước, thực phẩm; tiếp tục giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh thấy rõ nguy cơ, hiểm họa từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, từ thức ăn đường phố.
Cơ quan chức năng lấy mẫu, kiểm soát khẩu phần ăn tập thể. |
Lãnh đạo thành phố Thanh Hóa còn yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường học, cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể, sử dụng suất ăn công nghiệp. Tăng cường giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học, kiên quyết không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Kiểm soát chặt các sản phẩm thực phẩm trao, tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học (nếu có); tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn thực phẩm và thông báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương để xác minh, xử lý.