Cùng thời điểm trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa phát lệnh Báo động II trên sông Bưởi tại Kim Tân, huyện Thạch Thành. Nội dung công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê, hộ đê theo các cấp báo động.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn; chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.
Mực nước trên sông Bưởi. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 làm 184 nhà dân bị tốc mái, ảnh hưởng do cây đổ, sạt lở; 2 người bị thương do cây đổ vào người, đang điều trị tích cực tại bệnh viện.
Gió, mưa, lũ còn làm hơn 1.786ha lúa, gần 192ha rau, màu, 132ha mía bị đổ, gãy; hơn 10ha ao, đầm, 5m3 lồng nuôi thủy sản bị tràn, cuốn trôi; hư hỏng 30m kênh thủy lợi, 4 điểm trường học.
Tại vùng thượng du Thanh Hóa, mưa bão số 3 làm sạt taluy, xuất hiện vết Quốc lộ 15 thuộc huyện Quan Hóa; sạt lở taluy, lún sụt mặt đường phát sinh tại 48 vị trí trên Quốc lộ 15C, 32 vị trí trên Quốc lộ 16.
Các tuyến đường tỉnh khu vực miền núi Thanh Hóa mưa lũ dâng nước ngập mặt cầu, mặt đường đường tràn tại 9 vị trí; sạt taluy dương, đá lăn, sa bồi rãnh dọc, cống tại 58 vị trí, tổng khối lượng khoảng 2.895m3.
Thượng du Thanh Hóa ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ
Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động hỗ trợ nhân dân tu sửa nhà ở, chăm sóc cây trồng, ổn định cuộc sống, duy trì sản xuất.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan huy động nhân lực, vật tư, phương tiện dọn dẹp vị trí sạt lở giao thông, cử người canh gác, lập rào chắn, biển báo, phân luồng giao thông an toàn.