Thanh Hóa từng là hậu phương lớn trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Quân và dân Thanh Hóa có đóng góp lớn về sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Trong thời kỳ xây dựng quê hương, đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và Thanh Hóa tiếp tục kề vai, sát cánh, hợp tác, trợ giúp nhau cùng phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tỉnh Điện Biên chọn Thanh Hóa là thị trường để quảng bá xúc tiến du lịch là hướng đi đúng đắn.
Với cụm di tích lịch sử nổi tiếng như: Sở Chỉ huy chiến dịch, Đồi A1, Hầm De Castries, Tượng đài, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cùng thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, Điện Biên luôn hấp dẫn người dân Thanh Hóa, tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 3 cả nước.
Người dân thành phố Thanh Hóa tham quan triển lãm ảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đến từ tỉnh Điện Biên thông tin về cơ chế, chính sách hấp dẫn, tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, những đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Điện Biên, như kiến trúc nhà sàn của đồng bào Lào, Thái trắng, Hà Nhì, các sản phẩm OCOP, ngành nghề truyền thống rất hấp dẫn du khách và thu hút đầu tư vào tỉnh Điện Biên.
Đặc biệt, với quần thể di tích cách mạng gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cùng mật độ phân bố đậm đặc các di sản vật thể, phi vật thể, trong đó thực hành Then của người Tày, nghệ thuật Xòe Thái ở Điện Biên đã được ghi danh di sản phi vật thể đại diện của nhân loại cùng lễ hội hoa ban, chuỗi hoạt động sự kiện trong Năm du lịch quốc gia 2024, tỉnh Điện Biên là điểm tụ hội của bạn bè, khách thập phương.
Đại diện công ty du lịch thảo luận tại diễn đàn. |
Thảo luận tại diễn đàn, các doanh nghiệp đánh giá cao lợi thế cùng giá trị trường tồn của quần thể sản di tích cách mạng ở tỉnh Điện Biên, kỳ vọng về cải thiện hạ tầng giao thông, phương thức vận tải, giảm thời gian di chuyển, có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, một điểm đến đa quốc gia, tăng cường đào tạo đội ngũ kế cận, khắc phục già hóa nguồn nhân lực du lịch cộng đồng.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội nghị. |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, năm 2024, nước ta phấn đấu đón 18 triệu khách du lịch quốc tế, 110 triệu khách du lịch nội địa trong năm 2024, lấy Điện Biên là ngọn cờ.
Ghi nhận sản phẩm du lịch hấp dẫn ở tỉnh Điện Biên, các tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp năng động hợp tác khai thác lợi thế du lịch, liên kết điểm đến; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch kêu gọi các doanh nghiệp Thanh Hóa-Điện Biên cùng bắt tay, tạo ra các cơ hội về đầu tư, kết nối, không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ tốt khách du lịch.
Chia sẻ nhận biết về tài nguyên du lịch ở Điện Biên vô cùng đặc sắc, hấp dẫn cùng mong muốn tiếp tục tạo thêm những sản phẩm đa dạng, khác biệt, đặc sắc đi đôi với giữ gìn bản sắc, văn hóa gốc địa phương, lãnh đạo Tổng cục Du lịch gợi mở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong truyền thông, quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch và đề nghị các địa phương có nhiều hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia năm 2024 để mỗi địa phương, địa danh là điểm đến, mỗi người dân là đại sứ du lịch.
Người dân Thanh Hóa chọn mua đặc sản của tỉnh Điện Biên. |
Tại hội nghị, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên ký Biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch giai đoạn 2024-2026.
Cũng trong dịp này, tại thành phố Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch Điện Biên tại tỉnh Thanh Hóa.