Thành công của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành công của Việt Nam

Sáng 30/11 (giờ địa phương), tại thủ đô Ankara, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam–Thổ Nhĩ Kỳ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam–Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam–Thổ Nhĩ Kỳ.

Lãnh đạo các bộ, cộng đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đều đánh giá, chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội quan trọng, nền tảng thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ cho tương lai hai nước.

Các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này có nhiều tiềm năng, thế mạnh và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng giao thông, sản xuất hàng gia dụng, khoa học công nghệ, tài chính, hàng không, logistics, năng lượng tái tạo, dược phẩm, nông nghiệp, công nghiệp Halal...

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng và thông qua Việt Nam để thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN. Việt Nam là đối tác quan trọng nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực ASEAN.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí, vai trò chiến lược của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam; do đó hai nước có dư địa hợp tác rất lớn. Tình hình thế giới diễn biến phối hợp, gây ra nhiều đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy càng khó khăn, chúng ta càng phải hợp tác để bảo đảm chuỗi cung ứng.

Thành công của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành công của Việt Nam ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược. Trong đó, về thể chế, sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng sẽ giúp giảm chi phí logistics của doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển 5 phương thức giao thông (phát triển hệ thống cao tốc, các cảng trung chuyển quốc tế về hàng hải, hàng không, xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường thủy nội địa). Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, nhu cầu của doanh nghiệp.

“Chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương. Việt Nam đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và hai bên tiến tới đàm phán Hiệp định Thương mại tự do... Cùng với việc nghiên cứu tiến tới nâng cấp quan hệ giữa hai nước, đây là những cơ chế quan trọng để hai nước thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư. Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, lấy khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển mới.

Việt Nam tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ vào Việt Nam, mà một ví dụ tiêu biểu là doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia liên danh thực hiện gói thầu xây dựng và lắp thiết bị nhà ga hành khách Sân bay Long Thành với giá trị 35.000 tỷ đồng – lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Việt Nam luôn chủ trương “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”; thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam. Thủ tướng tin tưởng quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước…