Nghệ sĩ violin Trần Vĩnh Lộc sinh năm 1961, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và công tác tại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Ông là một trong những nghệ sĩ trình diễn violin khá nổi tiếng của dàn nhạc và “Đêm nhạc Đức” với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành chỉ huy là sự kiện tôn vinh người nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến.
Trong đêm nhạc, Trần Vĩnh Lộc đã làm say đắm người yêu nhạc với bản Concerto số 1 giọng Son thứ dành cho violin của nhà soạn nhạc Max Bruch, một tác phẩm mẫu mực dành cho violin với những giai điệu lãng mạn. Bản nhạc đã mang đến những cảm xúc như một hành khúc tươi sáng, mềm mại và uyển chuyển. Đây là tác phẩm thành công nhất, trong số những tác phẩm dành cho violin của Max Bruch (1838-1920), bản Concerto số 1 dành cho violin là tuyệt phẩm với vẻ đẹp lộng lẫy làm say đắm công chúng yêu nhạc cổ điển,
Tác phẩm mở đầu với tiết tấu chậm rãi và ngay sau đó phần độc tấu violin vang lên với đoạn cadenza ngắn. Dưới đôi tay của Trần Vĩnh Lộc, những giai điệu du dương cất lên, dẫn dắt cảm xúc tới cao trào, nơi âm nhạc vang lên đầy mạnh mẽ, chói sáng. Sự êm dịu dần trở lại, nhẹ nhàng du dương quyến rũ, được ví như trái tim của bản concerto. Sự phát triển chủ đề thể hiện bởi cây đàn violin, được nhấn mạnh bởi sự liên tục của một phần dàn nhạc, giữ cho chương nhạc vừa trữ tình mà cũng đầy màu sắc.
Tuyệt phẩm thứ hai được nghệ sĩ Trần Vĩnh Lộc trình diễn là bản Concerto giọng Rê trưởng dành cho violin của nhà soạn nhạc Johhanes Brahms. Tác phẩm đã được nhà soạn nhạc sáng tác và sửa chữa nhiều lần, đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ độc tấu violin mà dàn nhạc đơn thuần chỉ đảm nhiệm phần đệm. Những giai điệu của bản nhạc gợi mở không khí đồng quê bình dị, thanh bình, có những ngắt quãng và chuyển đoạn khó như những thách thức với người thể hiện để rồi trở lại nhẹ nhàng, quyến rũ và tinh tế, mở rộng, diễn giải các ý tưởng chủ đạo của tác phẩm.
“Đêm nhạc Đức” đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả với những tràng vỗ tay không dứt, tôn vinh Trần Vĩnh Lộc và các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Trong niềm xúc động của mình, nghệ sĩ Trần Vĩnh Lộc cho biết, sự tán thưởng của công chúng là vinh dự của ông và các nghệ sĩ dành cho sự đam mê, cống hiến và thành quả lao động không ngừng nghỉ của họ. Ông mong muốn, âm nhạc cổ điển sẽ có chỗ đứng và lan tỏa trong công chúng nước nhà, nhất là với giới trẻ để có thêm nhiều đêm nhạc giao hưởng như “Đêm nhạc Đức”