“Mặt trời trở lại” cũng gửi gắm kỳ vọng sẽ mang tới nguồn ánh sáng đầy hứng khởi, lạc quan và yêu đời, ngập tràn năng lượng cho công chúng yêu nhạc cổ điển Việt Nam, sau những tháng ngày dằng dặc u ám buồn đau bởi đại dịch.
Đêm cuối thu se lạnh, khán phòng đông nghịt, không còn một chỗ trống của Nhà hát lớn Hà Nội đã được chứng kiến một đêm hòa nhạc mở màn với ngập tràn xúc cảm tuyệt đẹp mang tên Viva SSO! The Sun rises again! Đắm chìm trong rất nhiều cung bậc cảm xúc được hình thành thông qua nhạc mục mang tính thẩm mỹ âm nhạc cao, với chất lượng trình tấu đẳng cấp quốc tế là cảm nhận chung của phần đa khán giả, sau 150 phút đắm chìm trong thế giới thanh âm quyến rũ mà những nghệ sĩ đa quốc tịch đầy tài năng của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời tạo nên, dưới sự dẫn dắt tài tình của Giám đốc Âm nhạc - Nhạc trưởng chính Olivier Ochanine.
Từ những tia nắng đầu tiên
Tròn 5 năm trước, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời ra đời và rất nhanh chóng thổi một luồng sinh khí trẻ trung, hiện đại và hấp dẫn cho loại hình nghệ thuật hàn lâm vốn luôn mặc định là kén người nghe và khó tiếp cận tại Việt Nam. Mục tiêu mà SSO đặt ra là trở thành một trong những dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, làm giàu thêm đời sống tinh thần của công chúng thông qua âm nhạc và mang đến những tiêu chuẩn mới cho nền văn hóa – nghệ thuật nước nhà.
Đặt bên cạnh những bậc tiền bối với bề dày lịch sử hơn sáu thập kỷ như Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam - Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam hay những “bậc đàn anh” như Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 1993) và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thành lập năm 1997), SSO thật sự rất non trẻ. Nhưng kể từ khi ra mắt, các chương trình hòa nhạc của SSO được trình diễn liên tục đã nhận được sự ủng hộ, chào đón nhiệt tình của khán giả Thủ đô. Trong suốt hai năm rưỡi ngắn ngủi (tính tới khi đại dịch Covid-19 bùng phát), dàn nhạc đã đem tới cho đời sống nghệ thuật thủ đô những “thực đơn” phong phú và thịnh soạn, được chế biến bởi những “đầu bếp” đẳng cấp thế giới. Có thể kể đến những chương trình ấn tượng như For the Love of Brahms, Beauty Awakens, Music for the Seasons, Dance of the Sun.... với những gương mặt nghệ sĩ khách mời tài danh như giọng ca opera Hàn Quốc Sumi Jo, pianist người Anh Benjamin Grosvenor hay violinist người Nga Sergei Dogadin pianist Andrew Tyson và đặc biệt là Concerto Hoàng Đế với sự góp mặt của danh cầm Tây Ban Nha Ivan Martin…
Tiếc là sau quãng thời gian ngắn ngủi nỗ lực gây dựng hình hài và định vị thương hiệu, khi “mặt trời” vừa chiếu rọi những tia nắng rực rỡ đầu tiên trên hành trình chinh phục giấc mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ âm nhạc cổ điển thế giới thì đại dịch Covid-19 ập tới khiến mọi hoạt động phải tạm dừng, thậm chí chưa thể hẹn ngày tái ngộ vào thời điểm đó.
Và mặt trời tái xuất
“Cám ơn khán giả đã có mặt ở đây để cổ vũ cho sự trở lại của dàn nhạc đêm nay. Sau gần ba năm phải tạm dừng hoạt động vì đại dịch, được đứng cùng dàn nhạc trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ngày hôm nay, với cá nhân tôi chính là một giấc mơ đẹp đã biến thành hiện thực”- vị nhạc trưởng xúc động chia sẻ, khi lại được vung cây đũa chỉ huy, khi lại được đón nhận những tràng pháo tay giòn giã thay cho lời chúc mừng và chia vui từ công chúng.
Một nhạc mục đã được ông dày công lựa chọn cho đêm trở lại, từ vở opera nổi tiếng Carmen cho đến bản Concerto dành cho violin tuyệt đẹp của Saint-Saëns cũng như những điệu nhảy tươi vui trong Vũ khúc Slavonic của nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất xứ Bohemia Antonín Dvořák.
“Mặt trời trở lại” mở màn bằng những giai điệu, khúc thức âm nhạc quen thuộc của Tổ khúc Carmen, được khơi nguồn cảm hứng từ tác phẩm opera kinh điển cùng tên. Năm trích đoạn được chọn lọc từ 12 hợp phần của hai tổ khúc I và II đã đưa người nghe du hành về với đất nước Tây Ban Nha cuối thế kỷ XIX, nơi những võ sĩ đấu bò (Les Toréadors) quay cuồng cùng những điệu nhảy xứ Bohème, theo điệu Aragonaise hay Seguedille. Nếu vở opera của nhạc sĩ thiên tài G.Bizet “mở ra một thời đại mới trong lịch sử âm nhạc thế giới” thì tổ khúc Carmen do E.Guiraud biên soạn đã chắp thêm đôi cánh và khoác lên những vầng hào quang mới cho kiệt tác này. Tổ khúc dành cho dàn nhạc biểu diễn này đã song hành, trường tồn cùng tác phẩm nhạc kịch cho tới tận hôm nay. Trường tồn qua hàng trăm năm lịch sử, Tổ khúc Carmen vẫn giữ nguyên được sức sống bền bỉ của nó. Và trên sân khấu Nhà hát Lớn, tác phẩm kinh điển này một lần nữa khiến khán giả không ngừng vỗ tay trong sự xúc động cao trào khi những thanh âm cuối cùng của tác phẩm kết thúc.
Điểm nhấn được trông chờ nhất của đêm diễn nằm ở sự góp mặt của cây vĩ cầm nổi tiếng mang trong mình hai dòng máu Việt – Nga Aylen Pritchin. Ngôi sao vừa tròn tuổi 35 và đang được giới mộ điệu nhạc cổ điển thế giới đánh giá rất cao này sở hữu một bảng thành tích đáng nể với hàng chục giải thưởng cao quý trong nhiều ngày hội âm nhạc quốc tế danh giá. Có thể kể tới giải Nhì cuộc thi Tài năng trẻ quốc tế Kotorovich khi mới 12 tuổi, Huy chương Vàng cuộc thi quốc tế Tchaikovsky tại Nhật Bản năm 17 tuổi, giải Nhất tại Bungaria năm 2007, giải Nhất cuộc thi vĩ cầm quốc tế ở Cannetti (Italia) năm 2009, giải Nhất cuộc thi Long Thibaud-Crespin năm 2014… Bản concerto số 3 cho đàn violin, cung Si thứ của nhà soạn nhạc Saint-Saëns là một trong những tác phẩm chuẩn mực cho danh mục biểu diễn hòa nhạc. Dù tác phẩm này không đòi hỏi nhiều yêu cầu kĩ thuật quá khó nhưng những biến tấu về giai điệu và sự tinh tế mang đậm dấu ấn trường phái ấn tượng lại đem tới những thách thức không nhỏ trong quá trình biểu diễn. Bằng ngón đàn tài năng, với lối trình diễn đĩnh đạc và sự kiểm soát nốt nhạc đầy tinh tế, danh cầm đã thực sự mê hoặc người nghe bằng những thanh âm violin réo rắt đầy ma thuật của mình.
Âm hưởng tươi vui, trẻ trung và sôi động tràn ngập cả khán phòng, khi SSO mang tới những vũ khúc dân gian sinh động và hấp dẫn trong tập hợp Slavinic Dances, Op.46 & Op. 72 của tên tuổi lớn nhất trong lịch sử âm nhạc Cộng hòa Czech – Antonin Dvorak ở phần ba của chương trình. Vốn nổi tiếng nhờ những điệu nhảy thu hút một cách đáng kinh ngạc, nổi bật là các vũ điệu Slavonic, âm nhạc của Dvorak giàu tính giai điệu, phong phú về cảm xúc và đạt trình độ thẩm mỹ cao. Chất liệu gắn chặt với tên tuổi Dvorak là những vũ khúc dân gian vui tươi đầy quyến rũ. Trên cái nền sống động ấy, vẻ đẹp của những vũ khúc trong hình thức cấu trúc âm nhạc chặt chẽ, quy mô và đầy tinh tế được tác giả tôn vinh, ngợi ca bằng tám điệu nhảy đa phong cách, đa sắc màu mà giàu tính tương phản. Chọn cách kết thúc buổi hòa nhạc bằng những giai điệu tươi vui khiến cả khán phòng hào hứng đến mức muốn đồng loạt đứng dậy và khiêu vũ, SSO đã có một đêm diễn mở màn không thể thành công hơn.
Trước những ngày tập luyện cuối cùng để chuẩn bị cho buổi hòa nhạc đầu tiên, nhạc trưởng Olivier Ochanine chia sẻ: “Mùa diễn trở lại này như ‘bình minh mới’ với chúng tôi. Quãng thời gian nghỉ dài hơi có thể coi như đòn bẩy để tôi cũng như từng cá nhân tự làm mới mình, từ đó tạo nên một SSO với phiên bản tươi mới, thu hút tâm trí khán thính giả và đậm xúc cảm hơn nữa”. Với những dấu ấn sâu đậm để lại trong lòng khán giả sau đêm diễn đầu tiên, mặt trời đã chính thức trở lại, hứa hẹn sẽ đem tới những dấu ấn thăng hoa hơn nữa trong những đêm diễn kế tiếp.